Ngã ngũ khoản cho vay thế chấp 'đất vịt giời' 13 năm trước tại OceanBank

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thươg mại TNHH MTV Đại Dương (Oceabank) với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Hồng Hải.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2008, Công ty Hồng Hải vay vốn Oceanbank với hạn mức 10 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất inox và kinh doanh thiết bị vệ sinh tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Thời hạn vay 60 tháng và ngân hàng đã giải ngân 3,9 tỷ đồng.

Để được chấp nhận khoản vay, Công ty Hồng Hải thế chấp 5 tài sản gồm: nhà đất tại quận Long Biên, quận Đống Đa và 2 nhà đất ở huyện Gia Lâm (Hà Nội); quyền khai thác sử dụng 5.000 m2 đất cùng nhà xưởng sản xuất inox và kinh doanh thiết bị vệ sinh tại khu công nghiệp Tiên Sơn.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ngân hàng đã giải chấp 2 bất động sản ở huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, do Công ty Hồng Hải không trả nợ đúng hạn nên ngân hàng khởi kiện ra tòa án. Tính đến năm 2019, nợ gốc và lãi lên tới 15,3 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc và lãi quá hạn, phạt chậm trả lãi.

Trong vụ án này, Oceanbank thẩm định hồ sơ ban đầu đã không tìm hiểu kỹ tính pháp lý của tài sản thế chấp. Cụ thể, năm 2007, Công ty Hồng Hải thuê lại diện tích 5.000 m2 đất của Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera (chủ đầu tư KCN Tiên Sơn). Đến năm 2008, hai bên đã thanh lý hợp đồng và không còn vướng mắc về nghĩa vụ tài chính. Công ty Hồng Hải không còn quyền lợi đối với khu đất này.

Ngoài ra, năm 2009, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án nhà máy sản xuất thiết bị bồn rửa, chậu inox và các đồ gia dụng bằng inox của Công ty Hồng Hải.

Do không được Công ty Hồng Hải và ngân hàng thông báo về việc vay nợ, thế chấp khu đất này, Viglacera đã cho Công ty TNHH Cơ khí Keaosan Vina thuê lại khu đất này từ năm 2009 và được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2019, tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty Hồng Hải phải thanh toán cho Oceanbank nợ gốc và lãi là 7,9 tỷ đồng và chỉ chấp thuận cho ngân hàng xử lý 2 bất động sản ở quận Long Biên và quận Đống Đa. Do đó, ngân hàng đã kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm đồng ý cho xử lý tài sản là quyền khai thác sử dụng 5.000 m2 đất và nhà xưởng tại khu công nghiệp Tiên Sơn.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP Hà Nội đã bác kháng cáo của Oceanbank. HĐXX cho rằng trong hồ sơ tài liệu không có quyết định giao đất của Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho Công ty Hồng Hải đầu tư xây dựng nhà xưởng. Ngân hàng xuất trình tài liệu là chứng chỉ quy hoạch số 07/2008 chỉ có “căn cứ để lập dự án và thiết kế công trình, không có giá trị làm chứng từ về quyền sử dụng đất”. Tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp, Công ty Hồng Hải chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, hợp đồng thế chấp không được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Kể từ sau khi chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nhà nước, nhiệm vụ chính của Oceanbank là “dọn dẹp” những khoản nợ xấu được giải ngân từ khoảng 10 năm về trước, khi ngân hàng còn hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu với ngân hàng này không hề đơn giản. Có những khoản nợ xấu được ngân hàng rao bán nhiều lần trong hơn 1 năm qua nhưng chưa có giao dịch. Điển hình như khoản nợ xấu của CTCP Đầu tư Phú Gia – Hà Nội, CTCP Sản xuất Nhật Minh, Công ty TNHH Pegasus Thăng Long, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, CTCP Phát triển giải trí Xứ sở Hạnh Phúc, CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn,…