Ngân hàng ồ ạt báo lãi 'khủng', có lo nguy cơ ảo vì một chi tiết?

Lãi dự thu của nhiều ngân hàng tăng có tiềm ẩn nguy cơ ngân hàng báo lợi nhuận ảo? Đánh giá lãi dự thu có phải yếu tố 'thổi phồng' thu nhập hay không, cần dựa vào cách phân loại nợ của ngân hàng.

Lợi nhuận hàng vài nghìn tỷ đồng, lãi dự thu cũng tăng mạnh

Trong nhóm ngân hàng sớm công bố báo cáo tài chính quý II, nhiều ngân hàng cho thấy lãi dự thu đã tăng mạnh so với cùng kỳ.

Về lợi nhuận, nhiều ngân hàng đã sớm báo lãi lớn. Hiện có tổng 10 ngân hàng báo lợi nhuận nửa đầu năm đạt từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Vietcombank đang giữ ngôi đầu bảng lợi nhuận ngành ngân hàng với hơn 17.373 tỷ đồng sau 6 tháng. Theo sau là VPBank với 15.323 tỷ đồng, Techcombank là 14.106 tỷ đồng.

nhieu-ngan-hang-cho-thay-lai-du-thu-da-tang-manh-so-voi-cung-ky-1658993497.jpg
Nhiều ngân hàng cho thấy lãi dự thu đã tăng mạnh so với cùng kỳ (Ảnh: Tiến Tuấn).

Song song với mức tăng lợi nhuận, các khoản lãi, phí phải thu hay còn gọi là lãi dự thu - một yếu tố khác bên cạnh nợ xấu để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh ở một số ngân hàng - đã tăng theo.

3 ngân hàng đang dẫn đầu lợi nhuận 6 tháng đầu năm đều ghi nhận lãi dự thu tăng. Tỷ lệ tăng ở Techcombank là 39,1%, ở VPBank là 22,2% và ở Vietcombank khoảng 0,1%.

Những ngân hàng khác có lãi dự thu tăng có thể kể đến trường hợp của ABBank. Tỷ lệ này tại ABBank tăng từ mức 769 tỷ đồng hồi đầu năm lên 942,5 tỷ đồng, tương ứng 22,5%. Hay tại VIB tăng từ mức 1.856 tỷ đồng lên 2.104 tỷ đồng, tương ứng 13,3%. Còn ở Bac A Bank, tỷ lệ tăng là 5,8%.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận lãi dự thu giảm so với đầu năm. Tại Sacombank, lãi dự thu giảm tới 60% so với đầu năm. Tỷ lệ giảm tại NCB là 30%, LienVietPostBank là 27%, PGBank là 10%, MSB là 6,9% và ACB là 6,4%.

TS Nguyễn Hồng Yến, trưởng bộ môn Kế toán ngân hàng, khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, cho biết lãi dự thu là khoản tiền chưa nhận về mà dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay, nhưng vẫn được các ngân hàng hạch toán để tạo nên lợi nhuận. Về nguyên tắc kế toán, ngân hàng chỉ được dự thu với khoản lãi sinh ra từ các khoản nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1), vốn là các khoản nợ lành mạnh, được đánh giá có khả năng thu hồi nợ tốt.

Trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, nợ đủ tiêu chuẩn thường chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tính đến hết ngày 30/6, tại Vietcombank, Techcombank, Sacombank, Bac A Bank, ACB, LienVietPostBank, ABBank và MSB, nợ đủ tiêu chuẩn chiếm trên 97% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tại các ngân hàng khác có tỷ lệ này thấp hơn là VIB (94,7%), VPBank (90,8%), NCB (82,7%).

Còn nếu lấy tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản để làm tham chiếu, Bac A Bank đứng đầu với mức 2,07%. Những ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản lớn hơn 1% gồm NCB (1,8%), MSB (1,3%), Techcombank (1,29%), LienVietPostBank (1,28%). Các nhà băng còn lại có tỷ lệ này dưới 1%.

Lãi dự thu có tác động gì tới lợi nhuận?

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra rằng, lãi dự thu đôi khi "thổi phồng" lợi nhuận. Vì trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản dự tính thu được trong tương lai mà còn là nợ xấu tiềm ẩn.

trong-mot-so-truong-hop-lai-du-thu-khong-don-thuan-la-cac-khoan-du-tinh-thu-duoc-trong-tuong-lai-ma-con-la-no-xau-tiem-an-1658993635.jpg
Trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản dự tính thu được trong tương lai mà còn là nợ xấu tiềm ẩn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trên thực tế, các ngân hàng phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, những khoản nợ mà lãi đến kỳ hạn nhưng khách hàng chưa trả được và xin cơ cấu lại khoản lãi thì phải xem xét chuyển nhóm, đồng thời loại khỏi lãi dự thu.

Tuy nhiên, các ngân hàng lại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo Thông tư 01/2020. Điều này khiến các ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản được giữ nguyên nhóm nợ mà lẽ ra có thể bị đẩy xuống nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) hoặc nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5), dẫn tới giảm được chi phí.

Có nhiều khoản lẽ ra là nợ xấu, nhưng lại được ghi nhận vào nợ đủ tiêu chuẩn và sinh ra lãi dự thu. Điều này khiến lợi nhuận tăng, và vô tình có thể khiến các ngân hàng "neo" vào lãi dự thu cao để "né" nợ xấu.

Trong tương lai, nếu nợ đủ tiêu chuẩn bị chuyển thành nợ xấu, ngân hàng khi đó phải tăng trích lập dự phòng. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng.

Ông đánh giá, với những ngân hàng báo lãi hàng nghìn tỷ nhưng lãi dự thu lại chiếm tỷ lệ lớn trên tổng lợi nhuận thì kết quả kinh doanh chưa thực chất.

Đánh giá lợi nhuận "ảo" còn tùy phân loại nợ

Các khoản lãi dự thu mà ngân hàng hạch toán đôi khi có thể mất 3-6 tháng hoặc dài hơn mới đến hạn doanh nghiệp trả lãi, khi đó mới tính là thực thu.

TS Nguyễn Hồng Yến cho rằng, việc đánh giá lãi dự thu có phải yếu tố "thổi phồng" thu nhập hay không phải dựa vào cách phân loại nợ của ngân hàng.

"Nếu phân loại nợ theo quy định, doanh thu ghi nhận vào thu nhập đúng nguyên tắc sẽ đảm bảo hết các kỳ nợ đều có thu nhập phát sinh tương ứng với khoản vốn cho vay. Nhưng nếu khoản nợ có rủi ro nhưng vẫn để nhóm đủ tiêu chuẩn, ngân hàng không phải dành chi phí trích lập dự phòng rủi ro, thì lợi nhuận sinh ra mới không thực chất", bà nói.

danh-gia-lai-du-thu-con-tuy-cach-phan-loai-no-cua-cac-ngan-hang-1658993720.jpg
Đánh giá lãi dự thu có phải là lợi nhuận "ảo" hay không còn tùy cách phân loại nợ của các ngân hàng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Việc tăng hay giảm lãi dự thu phải gắn liền với nợ đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Yến cho biết nếu chỉ nhìn trên báo cáo tài chính thì sẽ khó để nhận diện khoản nợ đang được phân loại đúng hay sai.

Trưởng bộ môn Kế toán ngân hàng, khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng lưu ý, nếu nợ đủ tiêu chuẩn tăng và lãi dự thu cũng tăng thì không đáng lo ngại. Nhưng nếu nợ tiêu chuẩn giảm mà lãi dự thu tăng thì sẽ là điều phi lý.

Ngoài ra, thời điểm kết thúc quý II cũng là lúc Thông tư 14/2021 về cơ cấu nợ hết hiệu lực. Việc lãi dự thu có tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và sinh ra lợi nhuận "ảo" hay không sẽ được phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh nửa cuối năm.

Còn ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco, lại cho rằng thực tế các ngân hàng cũng muốn "sòng phẳng" trong việc kinh doanh, chứ không phải đều muốn hạch toán lãi dự thu vào lợi nhuận. Tuy nhiên, do đặc thù từng loại hình doanh nghiệp thì vẫn phát sinh lãi dự thu.

Theo ông Khoa, không có quy chuẩn tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản để đánh giá "sức khỏe" ngân hàng đang an toàn hay lo ngại. Các ngân hàng nên tham chiếu với tỷ lệ trung bình của toàn ngành để có hướng xử lý phù hợp.

Ngoài ra, ông cho rằng lãi dự thu chỉ là một trong nhiều yếu tố đánh giá hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Ông Khoa gợi ý có thể xét thêm các yếu tố như hệ số an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, dư nợ cho vay, tổng tiền gửi…