Ngành ngân hàng lo rủi ro trung hạn

Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ, lo lắng về việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay, không hẳn là lo lắng ngay hôm nay mà lo lắng cho câu chuyện trung hạn trong những năm tới.

Trong cuộc họp bàn về chính sách tín dụng cho ngành hàng không diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với ngành hàng không cũng như các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, ông Tú, ngành ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, cũng rất khó khăn.

"Điều hành vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước đối với với lĩnh vực tiền tệ, tín dụng lúc này có thể nói là rất lo lắng. Không hẳn là lo lắng ngay hôm nay mà lo lắng cho câu chuyện trung hạn trong mấy năm tới. Khi nền kinh tế giai đoạn 2009 - 2010 chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, mới chỉ tác động tới một số lĩnh vực kinh tế nhưng xảy ra câu chuyện bong bóng tài sản, chứng khoán lên, bất động sản lên, khi rút bong bóng để lại một mớ nợ xấu cho ngân hàng. Lúc đó nợ xấu chiếm 11% tổng dư nợ và ngân hàng phải giải quyết đến bây giờ vẫn chưa hết", Phó Thống đốc cho hay.

Thời kỳ đó, quy mô dư nợ nền kinh tế chỉ khoảng 2,4 - 2,7 triệu tỷ đồng nhưng hôm nay đã lên đến 9,8 triệu tỷ đồng. Quy mô lớn càng khiến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lo ngại.

"Nếu không đảm bảo được điều hành vĩ mô, ổn định tiền tệ, giữ được giá trị đồng tiền mà để cho lạm phát vượt 4%, lên đến 7 - 8% thì coi như tất cả thành quả bao nhiêu năm đổ ra sông ra biển. Ở góc độ ngân hàng, nhiệm vụ chính trị lớn nhất là kiểm soát lạm phát, đưa tiền ra và hút tiền về cũng như cân đối ngoại tệ, tỷ giá làm sao để kiểm soát tác động đến giá trị đồng tiền", ông Đào Minh Tú chia sẻ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. Ảnh: SBV.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Với các gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, Phó Thống đốc cho hay cần phải cân nhắc đến vấn đề nợ xấu, bởi tác động tới ngành ngân hàng có độ trễ khoảng nửa năm, một năm. "Ngay bây giờ nợ xấu cũng có nguy cơ tăng lên. Theo tính toán sơ bộ, hiện nay tỷ lệ nợ xấu và nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu ở mức trên 7% dư nợ, cho nên rất lo ở góc độ vĩ mô", ông Tú nói.

"Có chuyên gia IMF, WB khuyên chúng tôi nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ thì quốc gia sẽ trả giá đắt. Nếu như không kiểm soát được lạm phát, nếu như tiền cứ ra như thế này thì ai dám chắc không lạm phát trong những năm tới? Độ trễ của ngành ngân hàng nửa năm, một năm. Ví dụ như tái cơ cấu nợ, nhìn sổ sách thì tưởng đẹp nhưng thực chất rất nhiều doanh nghiệp, ở các ngành khác nhau có khi 5, 7 năm sau mới phục hồi. Họ gần như kiệt quệ, 80-90% giá trị tài sản, vốn liếng đều ở ngân hàng, tức là hoạt động bằng tiền vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu quan điểm.

Vị lãnh đạo này cho biết theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại có 3,5-4 triệu tỷ đồng dư nợ đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh trong tổng số 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Một rủi ro khác với ngành ngân hàng trong trung hạn, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, là khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn thì nhu cầu vốn cũng sẽ tăng, doanh nghiệp sẽ rút tiền ra thanh toán, tác động đền nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng. Nhằm đảm bảo thanh khoản để cho vay tiếp, lãi suất sẽ phải bị điều chỉnh tăng lên, khó giữ được mặt bằng thấp như hiện nay.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh rằng mặc dù một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng so với trước nhưng cũng phải đặt câu hỏi là lợi nhuận đó có bền vững hay không. "Lợi nhuận của doanh nghiệp rất khác lợi nhuận ngân hàng. Doanh nghiệp có doanh thu theo tháng nhưng ngân hàng phải đợi lấy lãi. Tình hình kinh tế như hiện nay thì nợ bình thường còn khó thu, nợ xấu làm sao thu được?", ông Hùng bày tỏ.

Bài toán khó hiện nay là phải đưa ra được cơ chế chính sách để giải quyết vấn đề trước mắt của nền kinh tế nhưng lại phải đảm bảo ổn định hệ thống tài chính quốc gia.

Bên cạnh việc giảm lãi, phí, tái cơ cấu nợ đang thực hiện, theo tiết lộ của TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, dự kiến Nhà nước sẽ tung ra gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, cho rằng quy mô gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, là quá nhỏ để tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt.

"Về nguồn lực, tôi cho rằng Bộ Tài chính buộc phải đi vay, phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu. Tôi nghĩ đã mất công thiết kế thì nên làm một gói lớn, để nó thực sự tạo ra khác biệt", ông Nghĩa nêu quan điểm.