Ảnh minh họa |
Trong Chương trình Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, trả lời ý kiến về việc số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán hiện mới chỉ có khoảng 4% dân số có tài khoản chứng khoán; việc phát triển công nghệ ở các công ty chứng khoán cần đi theo hướng nào để giúp nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào thị trường?, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp cho biết: "Ở các thị trường chứng khoán thế giới đã có sự thay đổi rất lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, sau đấy các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là thị trường Mỹ, châu Âu rất thắt chặt bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính vì vậy họ có những luật mới để bảo vệ các nhà đầu tư.
Ví dụ như bảo vệ về danh tính, lời khuyên về đầu tư. Công ty cung cấp dịch vụ đầu tư đó có cung cấp dịch vụ đầu tư nhưng có xung đột lợi ích hay không?
Ngoài ra, với các công ty chứng khoán, vấn đề bảo mật cũng được ưu tiên, họ phải đầu tư rất nhiều như phòng chống rửa tiền hoặc vấn đề bảo mật của eKYC. Đó là những thách thức lớn của các công ty chứng khoán, các bên cung cấp dịch vụ.
Theo bà Trần Thu Thuỷ, Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán VPS: "Trong hoạt động tài chính, việc đầu tư cho các hoạt động bảo mật hệ thống, bảo mật an toàn thông tin cũng được chúng tôi coi trọng.
Ngoài ra theo nghiên cứu ở trên thế giới cũng như Việt Nam, các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư mới khi mở tài khoản xong mà để họ thực sự giao dịch, họ cũng phải được hỗ trợ để vượt qua được rào cản.
Ví dụ như có đủ thông tin và kiến thức, quản trị được rủi ro, có được sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Tất cả những điều đó cần phải được các công ty làm toàn diện và đồng thời.
Hiện nay, bên cạnh những nỗ lực của các thành viên trên thị trường thì cơ quan quản lý đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin quy mô toàn thị trường, để đáp ứng nhu cầu đông đảo và đa dạng của các nhà đầu tư.
Bày tỏ kỳ vọng về thị trường chứng khoán năm 2022, ông Trí nhấn mạnh: "Về cơ quan quản lý, tôi thấy đã có nhiều sự thay đổi trong đó gần đây nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi. Cơ quan quản lý Việt Nam cũng chú trọng hơn vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng, xếp hạng thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Như vậy sẽ thu hút được thêm các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Một ý nữa là theo chuẩn mực của thế giới, mô hình Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ chuyển sang thành Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán. Như vậy, việc nâng cao về giải pháp công nghệ đó sẽ giải quyết các vấn đề hiện nay mình đang bị vướng mắc đối với các tổ chức xếp hạng như MSCI hoặc FTSE về vấn đề thanh toán chuyển từ T+2 về T+0.
Ngoài ra quyền lợi, bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi nghĩ các cơ quan quản lý nên tiếp tục làm mạnh hơn, hiện nay mình đang thiếu một luật riêng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính".
Trong khi đó, bà Thuỷ cho biết: "Chúng tôi cũng đã nghiên cứu các thị trường chứng khoán khác, độ tuổi khách hàng có thể mở tài khoản chứng khoán khá sớm. Như tôi được biết, đây cũng nằm trong dự thảo của quy định mới sẽ cho phép khách hàng ở độ tuổi nhỏ hơn, ví dụ dưới 18 tuổi có thể mở tài khoản chứng khoán. Điều này sẽ góp phần vào việc nhận thức về tài chính và quản lý tài chính đối với lớp trẻ sẽ sớm hơn.
Với sự đầu tư của cơ quan quản lý, các sở giao dịch và với hệ thống công nghệ thông tin thúc đẩy quá trình giao dịch trôi chảy trên quy mô lớn, an toàn và thuận lợi.
Bên cạnh đó, những sáng kiến của các thành viên tham gia thị trường để mang lại cơ hội đầu tư cho tất cả mọi người. Chúng tôi còn có những nghiên cứu để thực sự hiểu được nhu cầu của khách hàng là gì, sẽ đưa ra những sáng kiến về sản phẩm dịch vụ, như vậy sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội được tiếp cận với tài chính sớm hơn và dễ dàng hơn".