Hôm 31/10, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đã chi 6.350 tỷ yen (43 tỷ USD) cho hoạt động can thiệp ngoại hối giai đoạn 29/9 – 27/10. Dù vậy, cơ quan này không cho biết chi tiết thời điểm và tần suất can thiệp.
Hồi tháng 9, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng bán USD và mua yen, với quy mô 2.800 tỷ yen (gần 20 tỷ USD khi đó). Động thái này được công bố ngay sau khi thực hiện.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đến nay vẫn từ chối xác nhận lời đồn đoán của giới đầu tư và phân tích về việc can thiệp trong tháng 10, khiến giá yen càng biến động mạnh.
Đầu tháng 10, giá yen giảm về 151 yen đổi một USD lần đầu tiên trong 32 năm. Sau đó, giá bật tăng mạnh trở lại, rồi dần đi xuống. Chiều 31/10, mỗi USD đổi được 148 yen – vẫn khá thấp so với mức 115 yen hồi tháng 2.
Yen Nhật giảm giá so với USD do chính sách tiền tệ của Mỹ và Nhật Bản khác nhau. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất để ghìm lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lại kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ, nhằm kích thích tăng trưởng. Cuối tuần trước, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết sẽ "không sớm thay đổi" chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Trên AFP, Carol Kong – nhà kinh tế học tại Commonwealth Bank of Australia cho biết chính phủ Nhật Bản "có lượng lớn tiền để can thiệp", với hơn 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối sau động thái hồi tháng 9. "Tuy nhiên, để giảm chi phí, họ phải dùng đến các tuyên bố để ghìm giá USD", bà nói.
Gần đây, cả Thống đốc Kuroda và Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki đều cam kết có biện pháp mạnh với các diễn biến về tỷ giá. Dù vậy, Masayuki Kubota – chiến lược gia trưởng tại Rakuten Securities cho rằng: "Chỉ can thiệp thôi sẽ không thể ngăn yen giảm giá. Khi yếu tố nền tảng – khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ - thay đổi, đà giảm của yen mới chấm dứt".