Ảnh Internet |
Kết quả KTNN năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020 của 73 doanh nghiệp thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty vừa được KTNN gửi đến Quốc hội cho thấy, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp được kiểm toán còn một số hạn chế.
Theo đó, một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Cụ thể, Công ty mẹ - HUD có tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận dự kiến được chia trên vốn đầu tư 4,34%, trong đó tỷ lệ cổ tức được chia từ 3 công ty con là 2 - 5%, 4 công ty con có lợi nhuận thấp không chia cổ tức, 1 công ty con có kết quả kinh doanh lỗ; Công ty mẹ - Vinachem có tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận được chia trên vốn đầu tư là 5,32%, trong đó 3/22 công ty con có kết quả kinh doanh thấp, không chia cổ tức; Công ty mẹ - VNS có tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận được chia trên vốn đầu tư là 4,13%.
Một số đơn vị thua lỗ lớn có thể kể đến như: Công ty mẹ - Vinachem có 5/22 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2020 là 15.473,64 tỷ đồng và 1 công ty con đang dừng hoạt động; Công ty mẹ - VNS có 4 công ty con, 5 công ty liên kết và 3 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 898,88 tỷ đồng, trong đó 2 đơn vị đang tạm dừng hoạt động; Công ty CP Gang thép Thái Nguyên có 3 công ty con, liên kết không hoạt động, không có khả năng phục hồi sản xuất; Công ty mẹ - PVGAS có 2/6 công ty con lỗ lũy kế 602,37 tỷ đồng;...
Một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Trong đó, Công ty mẹ - PVFCCo có 2/3 công ty liên kết lỗ lũy kế tại 31/12/2020 là 6.474,84 tỷ đồng, 1/2 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ năm 2020 là 45,47 tỷ đồng; Công ty mẹ - HUD có 4/5 công ty liên kết, đầu tư khác lỗ năm 2019 và năm 2020 là 55,49 tỷ đồng; Vinachem có 2/9 công ty liên kết lỗ lũy kế 123,69 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam có 2/5 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 95,25 tỷ đồng, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ có 1 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 9,83 tỷ đồng; Công ty mẹ - PVGAS có 1/2 công ty liên kết lỗ năm 2020 là 47,41 tỷ đồng;...
Về quản lý sử dụng đất, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng đất không rõ nguồn gốc, chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN, qua kiểm toán xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm.
Một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả bao gồm: PVCFC (Công ty mẹ 3,4 ha, Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam 0,9 ha); Vinachem (Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển 2,28 ha); VNS (Công ty mẹ 1,6 ha, Công ty CP Kim khí Hà Nội - VNSteel 1,49 ha); PVFCCo (Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ 1,72 ha); Petrolimex (Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình 0,47 ha, Công ty Xăng dầu Thanh Hóa 0,14 ha, Công ty Xăng dầu Khu vực III là 0,029 ha); Tổng công ty Điện lực TKV (Công ty Nhiệt điện Na Dương 0,44 ha của thửa đất số 588 và các thửa đất số 586, 587); PVGAS (Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam 1,30 ha, Công ty mẹ 0,68 ha); VNPT (một số lô đất thuộc Dự án Tuyến cáp quang biển trục Bắc - Nam, VNPT Kiên Giang có 5 lô đất, VNPT Thái Nguyên có 1 lô đất, VNPT Long An có 1 lô đất).
Đáng chú ý, tình trạng sử dụng đất chưa đúng mục đích cũng được chỉ ra. Trong đó, một số đơn vị có thể kể đến là PVGAS (Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam 3,41 ha); VNS (đất tại số 63/42 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội; 337 An Dương Vương, Hồng Bàng và 45 Ngô Quang Huy, TP.HCM; Công ty CP Gang thép Thái Nguyên 0,93 ha).
Một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp. Trong đó, VNS: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên 0,5 ha, Công ty mẹ 0,34 ha; Dofico: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long 0,42 ha.
Ngoài ra, còn có tình trạng sử dụng đất không rõ nguồn gốc. Trong đó, VNS: Công ty CP Kim khí Hà Nội - VNSteel cho thuê cơ sở nhà đất (0,03 ha) tại số 163 Hà Huy Tập, Gia Lâm, Hà Nội nhưng không theo dõi trong sổ sách của Công ty. Tại hồ sơ bàn giao khi cổ phần hóa (năm 2006) do đơn vị cung cấp thì tài sản trên đất không có trong danh mục tài sản bàn giao và diện tích đất trên không có trong Phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng đất chưa đủ hồ sơ pháp lý. Cụ thể, Vinachem: Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam 438,64 ha, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ 0,42 ha; Tổng công ty Điện lực TKV 116,95 ha; PVGAS 62,65 ha; Petrolimex 58,52 ha; VNS 36,35 ha; PVCFC 27,15 ha; Dofico: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long 27,04 ha; HUD 10,21 ha; Mobifone 0,71 ha và 14 cơ sở đất; VNPT: VNPT Hà Nội (53 lô đất), VNPT Hải Phòng (43 lô đất), VNPT Kiên Giang (39 lô đất và 0,03 ha), VNPT Bình Dương (13 lô đất), VNPT Đồng Tháp (9 lô đất), VNPT Thái Nguyên (04 lô đất), Công ty Công nghệ thông tin VNPT (1 lô đất).