Mã cổ phiếu DSC của CTCP Chứng khoán DSC chốt phiên giao dịch 22/11 tăng trần 14,9% lên 56.900 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản 190.300 đơn vị, trong khi dư mua trần lên tới 406.500 cổ phiếu.
Trong hơn 2 tháng qua, thị giá DSC đã tăng gần 3 lần, còn tính từ vùng đáy vào tháng 5/2022, mã này đã tăng tới 7 lần.
Đà tăng thần tốc của DSC diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán từ tháng 4/2022 rơi vào giai đoạn downtrend, trong đó bản thân cổ phiếu các công ty chứng khoán chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn cả, khi ghi nhận mức suy giảm rất mạnh, lên tới 70-80%.
Do vậy, diễn biến cổ phiếu DSC miệt mài tăng không thấy đỉnh bắt đầu thu hút sự chú ý đáng kể của nhà đầu tư trên sàn. Đồng thời, thanh khoản mã này cũng tăng lên nhanh chóng, từ mức chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên, khối lượng giao dịch DSC tăng nhanh trong nửa năm qua, lên vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, cá biệt trong phiên 9/9/2022 lên tới hơn 2,6 triệu đơn vị, hay như phiên 3/10/2022 đạt hơn 1,5 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng. Cuối năm 2020, công ty này đổi chủ khi nhóm Thành Công Group mua lại phần lớn cổ phần. Tháng 3/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Chứng khoán Đà Nẵng đã thông qua việc đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC, đồng thời chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng là trụ sở Thành Công Group.
Đến tháng 8/2021, DSC phát hành thành công 94 triệu cổ phiếu, tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Số cổ phiếu này được phân bổ cho 5 nhà đầu tư trong nước, bao gồm: CTCP Đầu tư NTP (mua 70 triệu cổ phiếu), Văn Lê Hằng (mua 10,025 triệu cổ phiếu), Nguyễn Mai Hậu (mua 4,9 triệu cổ phiếu), Trần Thị Thu Ngà (mua 4,75 triệu cổ phiếu) và Nguyễn Thị Thu Hà (mua 4,325 triệu cổ phiếu).
Sau giao dịch, CTCP Đầu tư NTP (NTP Invest) và bà Văn Lê Hằng sở hữu lần lượt 70% và 10,02% vốn điều lệ của DSC. Lưu ý rằng, NTP có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thị Thu Hà và Tạ Văn Mạnh – cũng chính là 3 cổ đông đã mua vào tổng cộng 75% cổ phần của DSC hồi cuối năm 2020.
Hiện nay, Chủ tịch HĐQT DSC là ông Nguyễn Đức Anh. Doanh nhân trẻ sinh năm 1995, được biết, ông còn đứng tên đại diện theo pháp luật tại CTCP Thành Công Motor Việt Nam - một thành viên trong hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn - ông chủ Tập đoàn Thành Công.
Gần 2 năm sau khi đổi chủ, DSC hoạt động không quá ấn tượng. Tới cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của DSC đạt 1.958 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chủ yếu gồm tiền gửi ngân hàng (413 tỷ đồng), chứng chỉ tiền gửi (716 tỷ đồng), cho vay margin (714 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, vay ngắn hạn ngân hàng là 887,5 tỷ đồng; vốn cổ phần 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.050 tỷ đồng.
Báo cáo thường niên của DSC cho biết tới cuối năm 2021, tổng số tài khoản giao dịch của khách hàng mở tại công ty này là 7.600, tăng hơn 500 đơn vị so với đầu năm, 7.072 tài khoản.
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của DSC đạt 100,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 18,3 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức khá khiêm tốn 183 đồng. Năm nay, DSC đặt kế hoạch lợi nhuận 45,3 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp này mới hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dù kết quả kinh doanh và quy mô tài sản, nguồn vốn không quá nổi bật, song đà tăng thần tốc của DSC thời gian qua đã đẩy giá trị vốn hoá của doanh nghiệp này lên gần 5.700 tỷ đồng chốt phiên 22/11, tương đương 2/3 các công ty chứng khoán Top đầu như HCM, VCI, và cao hơn 80% so với một công ty chứng khoán có chỗ đứng khác là FTS.
Đáng chú ý, đà tăng có phần bất thường của DSC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này triệu tập ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra ngày 12/12/2022, với nội dung nổi bật nhất là phát hành mới 100 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện phát hành dự kiến trong Quý I/2023.