Nhu cầu toàn cầu suy yếu, đơn đặt hàng sản xuất của Trung Quốc, Việt Nam giảm mạnh

Sự sụt giảm đơn hàng sản xuất từ Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng tới Việt Nam - nơi đang nổi lên là một trung tâm sản xuất khi các công ty dịch chuyển khỏi Trung Quốc...

nhap-khau-1670225605.jpeg Nhập khẩu hàng hóa châu Á của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 10 xuống mức thấp nhất 20 tháng - Ảnh: Getty Images

Theo dữ liệu mới nhất của hãng tin CNBC, số lượng đơn đặt hàng sản xuất của Mỹ với Trung Quốc đã giảm 40%. Vì lý do này, công ty vận tải Worldwide Logistics Group của Mỹ dự báo các nhà máy của Trung Quốc sẽ đóng cửa sớm 2 tuần trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm 2022 sắp tới.

“Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc sẽ đóng cửa vào đầu đầu tháng 1 để nghỉ Tết, sớm hơn nhiều so với năm ngoái”, ông Joe Monaghan, CEO của Worldwide Logistics Group cho biết.

Theo công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng Project44, sau khi hoạt động thương mại đạt kỷ lục sau các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đường biển từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm đáng kể từ cuối mùa hè năm 2022. Trong đó, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua container giảm 21% trong giai đoạn từ tháng 8-11.

Công ty vận tải biển toàn cầu HLS, có trụ sở tại châu Á, mới đây cũng đưa ra cảnh báo tới khách hàng về bối cảnh kinh doanh vận tải biển.

“Dường như đây là thời điểm rất tồi tệ với ngành vận tải biển. Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm nhu cầu và dư thừa công suất khi ngày càng nhiều container mới gia nhập thị trường”, HLS nhận xét.

Các nhà phân tích của công ty này dự báo lượng hàng vận chuyển bằng tàu container sẽ giảm thêm 2,5%, trong khi số lượng container tăng gần 5-6% vào năm 2023. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới giá cước vận tải biển năm sau.

“Thị trường vận tải container sẽ trở nên phức tạp hơn do những bất ổn kinh tế, lo ngại về địa chính trị và cả sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường”, HLS nhận định.

HLS dẫn dữ liệu thương mại cho thấy nhập khẩu hàng hóa châu Á của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 10 xuống mức thấp nhất 20 tháng. 

Bên cạnh đó, sự gia tăng các biện pháp phòng dịch tại Trung Quốc gần đây tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại nước này và làm chậm lại quá trình vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, cũng có nhiều rào cản khác đối với hoạt động vận tải liên tỉnh và liên thành phố ở Trung Quốc, chủ yếu liên quan tới yêu cầu xét nghiệm Covid-19 tài xế xe tải.

Theo CNBC, sự sụt giảm đơn hàng sản xuất từ Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng tới Việt Nam - nơi đang nổi lên là một trung tâm sản xuất khi các công ty dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

“Việc thiếu đơn hàng sản xuất cộng với lãi suất cho vay tăng lên khiến nhiều công ty tại Việt nam phải đóng cửa nhà máy thay vì ký các hợp đồng mới”, HLS nhận định. “Các chuyến vận tải biển đến Việt Nam bị hủy đã tăng 50% trong tháng 12”.

Ngược lại, phân tích dữ liệu thương mại của Project44 cho thấy sự gia tăng đáng kể và đáng ngạc nhiên của tuyến thương mại từ Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ.

“Sự gia tăng mạnh mẽ này không thể chỉ giải thích bằng đại dịch Covid-19. Sự dịch chuyển chiến lược để giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc cũng như những căng thẳng địa chính trị liên quan tới Nga là những nguyên nhân chính khiến thương mại giữa EU và Mỹ bùng nổ”, ông Josh Brazil, phó chủ tịch Project44, phân tích.

Theo Project44, bản đồ thương mại toàn cầu đang được vẽ lại, với hoạt động thương mại giữa EU và Mỹ cũng như đầu tư vào Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa phương Tây và Trung Quốc bị siết chặt. Năm nay, Mỹ đã nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Âu hơn Trung Quốc - một sự thay đổi lớn so với những năm 2010.

“Về phần mình, các nhà sản xuất ở châu Âu đang chật vật với giá tăng lượng leo thang và lạm phát, và họ đang tăng cường xuất khẩu và đầu tư vào Mỹ”, ông Brazil cho biết.

Dữ liệu cho thấy, riêng hàng hóa xuất khẩu từ Đức sang Mỹ đã tăng gần 50% trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí tăng gần 22% trong 9 tháng đầu năm nay.