Những giải pháp nào vực dậy thị trường bất động sản năm 2023?

Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái.

Những giải pháp nào vực dậy thị trường bất động sản năm 2023?Thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Ảnh: Bảo Chương

Thị trường bất động sản hiện rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, do thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí, có tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động, công nhân xây lắp, nhân viên môi giới.

Nhiều dự án trùm mền vì chờ đợi tháo gỡ khó khăn pháp lý dự án. Ảnh: Anh DũngNhiều dự án trùm mền vì chờ đợi tháo gỡ khó khăn pháp lý dự án. Ảnh: Anh Dũng 

Báo cáo của UBND TPHCM mới đây gửi cho Bộ Xây dựng cũng nêu rõ trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngày càng nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án chưa được tháo gỡ đồng bộ, thống nhất về chính sách, quy định pháp luật, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất...

Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do việc kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu; lãi suất cho vay, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng cao. Do đó, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Phía UBND TPHCM đã kiến nghị một số các giải pháp cần tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc về pháp lý mà bao lâu nay vẫn đang gây khó khăn. Đáng chú ý là đề xuất giải pháp cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

UBND TPHCM cho rằng, dự án phát triển nhà ở chịu sự điều chỉnh, chi phối của rất nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật chưa có sự đồng bộ, thậm chí chồng chéo dẫn đến tình trạng xung đột, không thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cần được nghiên cứu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và tháo gỡ các điểm nghẽn khi các luật được ban hành. Tăng cường kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn đầu cơ, thao túng, thổi giá. 

Đối với phân khúc nhà ở xã hội, để có thể đạt được mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, UBND TPHCM đề xuất cần phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở thành phố, để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. 

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.