Những lầm tưởng tai hại về COVID-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đi kèm với đó là vô vàn những thông tin sai sự thật, được đồn thổi lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội. Nếu không chọn lọc kĩ nguồn thông tin tiếp nhận, người dân có thể sẽ gặp phải những lầm tưởng tai hại về COVID-19.

Cảnh báo tự mua thuốc “chữa COVID-19”

Tình hình dịch bệnh ngày càng khó lường với nhiều biến chủng mới cùng với số ca mắc tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Lợi dụng tâm lý đó, một số “dân buôn” đã trục lợi bằng cách tung ra thị trường các loại thuốc chữa COVID-19 không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng với lời quảng cáo “hiệu quả trăm phần trăm”, “cam kết âm tính sau 3-5 ngày”.

Tràn lan trên mạng xã hội các loại thuốc chữa COVID-19.

Dạo quanh một vòng “thị trường online” trên các trang mạng xã hội, với từ khóa như “thuốc chữa Covid” kết quả xuất hiện không nhiều. Nhưng khi tham gia vào các hội nhóm có đến hàng chục nghìn thành viên với tên gọi như “Điều trị COVID-19 tại nhà”, “Hội những người nhiễm Covid”,… Sẽ thấy các loại thuốc này đang được rao bán tràn lan trên đây.

Những loại thuốc từ gia truyền đến Đông y, Tây y; từ của Nhật cho đến của Nga; từ thuốc uống cho đến súc miệng, súc họng,… Quả thật là “gi gỉ gì gi thuốc gì cũng có”, đa dạng, đa chủng loại cho khách hàng tha hồ chọn lựa. Giá thành thường dao động từ 500 nghìn đồng đến hơn 2 triệu đồng cho một hộp thuốc khoảng 40 viên hay một liệu trình chữa COVID-19 “từ A đến Z”.

Điển hình một bài quảng cáo thường thấy trên các hội nhóm như sau: Thân gửi đến cả nhà liệu trình 5 ngày diệt sạch virus COVID-19. Chỉ với số tiền hơn 1 triệu đồng bạn đã có ngay liệu trình với phác đồ điều trị hoàn toàn mới. Với tiêu chí âm tính chỉ từ 3 - 5 ngày, sớm phục hồi sức khỏe, hạn chế di chứng hậu Covid tối đa. Đừng nên tiếc 1 triệu đồng, vì sức khỏe của bạn và những người xung quanh”.

Đối tượng khách hàng mà “dân buôn” thuốc nhắm đến đa phần là người lớn tuổi cả tin, những người ít cập nhật thông tin chính thống. Những người có tâm lý e ngại, lo lắng trước dịch bệnh nên dù chưa được chỉ định dùng thuốc nhưng nhiều người vẫn ráo riết săn lùng các loại thuốc chữa COVID-19 mà không màng đến giá thành. Đây chính là “miếng mồi ngon” cho các “dân buôn” trục lợi ngay trên nỗi lo lắng và nhu cầu của người dân mà không màng đến sức khỏe của họ.

Với tâm lý là F1, lo ngại mình sẽ trở thành F0, chị T.Hà (38 tuổi, Hà Nội) đã lên mạng tìm kiếm các loại thuốc phòng ngừa, chữa bệnh COVID-19. Sau khi được tư vấn, chị đã bỏ số tiền lên tới hàng triệu đồng để mua liệu trình điều trị virus cho cả gia đình. Theo chị Hà tìm hiểu, có nhiều loại thuốc từ phòng dịch đến điều trị khi đã mắc bệnh, có thuốc còn được phân chia tính theo số ngày tiếp xúc với F0. Thuốc cũng được giới thiệu có cả liều lượng cho trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, sau khi sử dụng chị Hà và con gái vẫn trở thành F0 sau đó.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng ngành y tế đã đưa ra khuyến cáo cho người dân khi mắc COVID-19. Điều trị COVID-19 không đơn thuần là dùng thuốc. Không nên nhầm lẫn giữa mục đích là cần có thuốc hay mục đích là điều trị bệnh. Vì thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị. Người bệnh phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với các triệu chứng khác nhau và thuốc sử dụng cho bệnh nhân có nhiều loại, tùy theo triệu chứng bệnh và giai đoạn bệnh.

Trên thực tế thì không thể có 1 loại thuốc điều trị COVID-19 cho tất cả mọi người. Biện pháp điều trị cần được cá thể hóa cho từng trường hợp. Ngay cả khi điều trị tại nhà thì khi sử dụng thuốc để điều trị nên có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Như có nhiều trường hợp F0 nhẹ không triệu chứng thì chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng bệnh sẽ tự khỏi, chưa cần dùng tới thuốc.

Hơn nữa, theo quảng cáo các trang mạng, thuốc điều trị COVID-19 trên thị trường có rất nhiều loại, người mua rất dễ mua thuốc theo cảm tính, theo quảng cáo, nhiều loại thuốc nhập lậu, không có nhãn phụ, không rõ thành phần và tác dụng… Việc sử dụng thuốc như vậy sẽ chưa thấy hiệu quả mà còn dễ gây ra hậu quả xấu.

Từ tháng 8/2021 đến nay, Công an TP Hà Nội đã triệt phá được nhiều vụ việc kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 dán nhãn mác nước ngoài, được nhập lậu, trái phép và đều không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến lô thuốc. Đặc biệt, tất cả đều có chung phương thức là thu mua các hộp thuốc “trôi nổi” trên mạng xã hội từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng cho người tiêu dùng với giá gấp đôi nhằm thu lợi.

Sự việc trên cùng với khuyến cáo của các cơ quan chức năng cũng là lời cảnh báo tới người dân cần cẩn trọng trước các lời chào hàng thuốc COVID-19, để tránh “tiền mất, tật mang”.

Mắc COVID-19 để “bất tử”?

Trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 15 nghìn ca nhiễm mới, xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành khiến nhiều người dân đang mang trong mình suy nghĩ “xác định trước sau gì cũng mắc COVID-19”. Hay choáng hơn, với tỷ lệ tiêm vaccine đã khá cao và tâm lý “có nhiễm cũng không chết”, do đó nhiều người còn mong nhiễm bệnh trước thời điểm Tết Nguyên đán để có thể ăn Tết thoải mái hơn hay mắc COVID-19 để “bất tử”…

Bạn H.Trang (20 tuổi, Vĩnh Phúc) đang làm việc ở Hà Nội chia sẻ: “Em đang mong nếu đằng nào cũng bị nhiễm COVID-19 thì nhiễm luôn bây giờ để cách ly cho xong đi. Như thế em càng yên tâm về quê ăn Tết hơn. Chứ xui rủi thế nào đến Tết mà thành F0 thì coi như mất Tết, ăn Tết một mình luôn ạ”. Kỳ lạ thay, đây lại là tâm lý phổ biến hiện nay của nhiều người dân, không khó để nhìn thấy các bài viết trên mạng xã hội với nội dung đã, đang và có tâm lý muốn mắc COVID-19 .

Tuy nhiên, đây là những lầm tưởng vô cùng tai hại về đại dịch này. Thứ nhất, không phải ai sau khi mắc COVID-19 cũng có sức đề kháng cao. Theo các chuyên gia, mặc dù tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 là rất thấp nhưng chắc chắn không có chuyện sau khi mắc bệnh sẽ “bất tử” với COVID-19, thậm chí nhiều người còn tái nhiễm đến 2-3 lần, phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Thứ hai, đáng sợ hơn gấp nhiều lần chính là những di chứng mà hậu COVID-19 để lại. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) thống kê một loạt triệu chứng hậu COVID-19 gặp ở một số bệnh nhân nhẹ như: khó thở/thở gấp; mệt mỏi; khó chịu khi gắng sức; “sương mù não” - tức khó nghĩ, khó tập trung; ho; đau ngực; đau dạ dày; đau đầu; tim đập nhanh hoặc mạnh; đau khớp hoặc cơ; tiêu chảy... Đối với các triệu chứng phổ biến, đa số có thể tự hồi phục nhưng cũng có người sẽ cần đến bác sĩ.

Còn đối với bệnh nhân từng mắc COVID-19 phải nằm hồi sức (ICU), thở máy, ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể)... đến 70% có nguy cơ cao bị di chứng COVID-19 nặng và kéo dài. Cơ quan nào tổn thương nhiều nhất sẽ để lại di chứng lâu nhất. Việc bắt buộc phải dùng máy móc hỗ trợ sinh tồn, cộng với tác dụng phụ của thuốc kháng viêm, kháng đông liều cao cũng là một nguyên nhân làm cơ thể chậm hồi phục.

Di chứng hậu COVID-19.

Theo các bác sĩ, lứa tuổi bị tác động hậu COVID-19 nhiều nhất là nam giới từ 30 tuổi và nữ giới từ 35 tuổi trở lên. Người càng lớn tuổi, có kèm các bệnh nền mãn tính như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường... dễ mắc COVID-19 kéo dài. Nguyên nhân là hệ miễn dịch và sức khỏe vốn đã yếu, sau cơn bạo bệnh thêm giảm sút, làm giảm khả năng phục hồi.

Cũng trong thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM đã mở thêm khoa hậu COVID-19 sau khi ghi nhận nhiều trường hợp F0 khỏi bệnh không hồi phục như mong đợi hoặc nảy sinh các vấn đề sức khỏe khác.

Theo thống kê của Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu COVID-19 , BS Lê Văn Thịnh cho biết, có khoảng 80% F0 lành bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm (66%), xơ phổi (61%), mất ngủ (45%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%)… có xu hướng kéo dài hơn 4 tuần, thậm chí nhiều tháng.

Các bác sĩ nhấn mạnh, “không mắc bệnh thì không có di chứng”, do đó mỗi cá nhân dù đã được tiêm đầy đủ các mũi vaccine cũng không nên chủ quan, vẫn cần phải nâng cao các biện pháp phòng dịch. Nhất là tuân thủ nguyên tắc 5K, loại bỏ ngay suy nghĩ “đằng nào cũng nhiễm nên nhiễm luôn” hay mắc COVID-19 để “bất tử”.

Nguy hiểm hơn cả virus, chính là những lầm tưởng tai hại về COVID-19. Hệ quả của những lầm tưởng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, “tiền mất, tật mang”… mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng khi nhiều người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Vì vậy, hãy nắm bắt thông tin một cách chính xác, đây chính là chìa khóa giúp bạn bảo vệ bản thân và những người thân yêu trước đại dịch COVID-19.