Những thảm họa khí hậu gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2022

Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà không chỉ mỗi Việt Nam mà toàn thế giới đang phải gánh chịu. Riêng 10 thảm họa thiên tai lớn nhất trong năm 2022 đã gây thiệt hại cho thế giới khoảng 100 tỷ USD.

Năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử ghi chép kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển. Trong năm nay, rất nhiều cộng đồng cư dân trên toàn cầu trở thành nạn nhân của các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, từ các đợt sóng nhiệt ở Nam Á đến những mùa mưa thiếu nước ở Đông Phi hay hạn hán kéo dài và tồi tệ nhất ở Trung Quốc...

Mới đây, kết quả nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Anh Christian Aid công bố cho biết, riêng 10 thảm họa thiên tai lớn nhất trong năm 2022 đã gây thiệt hại cho thế giới khoảng 100 tỷ USD. Thực tế này phản ánh tác hại ngày càng tăng của hiện tượng trái đất nóng lên.

Những thảm họa khí hậu gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 1
Tác động của cơn bão Ian ở Fort Myers, Florida. Lực lượng hủy diệt của nó, đã tàn phá các vùng của Hoa Kỳ và Cuba vào tháng 9, tiêu tốn khoảng 100 tỷ đô la. (Nguồn: EPA)

Bão Ian – 100 tỷ USD

Ian là cơn bão cấp 4 gây thiệt hại trên diện rộng khắp miền tây Cuba và miền đông nam nước Mỹ. Trong 7 ngày cuối tháng 9, cơn bão đã giết chết ít nhất 150 người và khiến 40.000 người mất nhà cửa.

Hạn hán ở châu Âu – 20 tỷ USD

Hạn hán vào mùa hè năm 2022 được nhiều người cho rằng là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua, ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và năng lượng, nguồn nước và động vật hoang dã. Nó cũng gây ra cháy rừng, mất mùa và gây ra hơn 20.000 ca tử vong.

Lũ lụt ở Trung Quốc – 12,3 tỷ USD

Vào tháng 6, miền nam Trung Quốc đã chứng kiến lượng mưa lớn nhất kể từ năm 1961, gây ra lũ lụt và lở đất, buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán.

Hạn hán ở Trung Quốc – 8,4 tỷ USD

Cuối tháng 8, Trung Quốc trải qua mùa hè nóng nhất và khô nhất kể từ khi kỷ lục được ghi nhận vào năm 1961, với hơn 70 ngày nhiệt độ ở mức khắc nghiệt và lượng mưa thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu vực sông Dương Tử, nơi sinh sống của hơn 450 triệu người.

Lũ lụt ở miền đông Australia – 7,5 tỷ USD

Từ cuối tháng 2 đến tháng 3, các bang miền đông Australia đã trải qua những trận lũ lụt khiến 27 người thiệt mạng và 60.000 người phải sơ tán. Một số thị trấn ở phía bắc New South Wales có lượng mưa bằng cả tháng chỉ trong vòng 6 giờ.

Lũ lụt ở Pakistan – 5,6 tỷ USD

Từ giữa tháng 6 đến tháng 9, lũ lụt đã giết chết hơn 1.700 người và khiến 7 triệu người Pakistan phải sơ tán. Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman nói 1/3 đất nước đã biến thành biển lớn, tạo ra cuộc khủng hoảng “không thể tưởng tượng được”.

Bão Eunice – 4,3 tỷ USD

Trong 5 ngày vào tháng 2, Bão Eunice đã gây ra sự tàn phá tại Bỉ, Đức, Ireland, Hà Lan, Ba Lan và Anh. 7 người đã thiệt mạng. Ở Anh xuất hiện những cơn gió mạnh 122 dặm/h (hơn 196 km/h) – những cơn gió mạnh nhất trong hơn 30 năm.

Hạn hán ở Brazil – 4 tỷ USD

Brazil đã bị hạn hán tàn phá trong gần hết năm nay. Đây được coi là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Mực nước thấp của sông Amazon cũng là một mối quan tâm đặc biệt.

Bão Fiona – 3 tỷ USD

Bão Fiona đổ bộ vào vùng Caribe và Canada vào cuối tháng 9 đã giết chết hơn 25 người và khiến 13.000 người mất nhà cửa. Ít nhất 4 sân bay quốc tế đã bị đóng cửa. Các nhà khoa học hiện cũng chưa xác định được liệu tình trạng biến đổi khí hậu có tác động đến bão Fiona hay không nhưng nhìn chung sự ấm lên của Trái Đất đang khiến cho các cơn bão có sức tàn phá lớn hơn khi gây mưa nhiều hơn và gió mạnh hơn.

Lũ lụt ở KwaZulu Natal (Nam Phi) –  3 tỷ USD

Trong hơn một tuần vào tháng 4 đến 459 người đã thiệt mạng và hơn 40.000 người đã phải di dời nhà cửa do lũ lụt.  Các dịch vụ cấp nước đã ngừng hoạt động và Durban, một trong những cảng bận rộn nhất của Nam Phi, đã bị gián đoạn. Nước lũ đã phá hủy một số cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống và làm mất nước, điện.

Những thảm họa thiên nhiên trên đây đã khơi lại cuộc tranh luận về việc ai sẽ phải chi trả cho những thiệt hại do thảm họa khí hậu gây ra. Tại các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27) ở Ai Cập hồi tháng 11, các quốc gia đạt được một hiệp ước lịch sử để thành lập một quỹ khắc phục thiệt hại do khí hậu. Tuy nhiên, các chi tiết về nguồn tiền đến từ đâu và ai sẽ nhận được số tiền đó vẫn chưa được thống nhất.