Thỏa thuận lịch sử về đa dạng sinh học

Ngày 19/12, gần 190 quốc gia trên thế giới đã nhất trí về một thỏa thuận mang tính lịch sử trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, dấy lên không ít hy vọng mới cũng như nhiều lo lắng.
Hội nghị đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP15) được đánh giá là thành công vang dội với sự ra đời của Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal. (Nguồn: AP)

Hội nghị đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP15) được đánh giá là thành công vang dội với sự ra đời của Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal. (Nguồn: AP)

Sáng sớm ngày 19/12, ngày cuối cùng của Hội nghị Đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP15) diễn ra tại thành phố Montreal (Canada), sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng khoảng 190 quốc gia đã đồng ý về một kế hoạch lịch sử nhằm ngăn chặn sự suy giảm của động vật hoang dã và hệ sinh thái. Thỏa thuận mang tên Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, bao gồm 23 mục tiêu mà các quốc gia phải đạt được trong thập kỷ này.

Thỏa thuận Côn Minh-Montreal được giới khoa học và truyền thông tung hô là nỗ lực lớn nhất từ trước tới nay nhằm bảo vệ đại dương và môi trường thiên nhiên trên Trái đất và có thể là cơ hội cuối cùng của loài người nhằm đảo ngược sự suy tàn của thiên nhiên. Các hệ sinh thái đang cung cấp sự sống cho chúng ta, chẳng hạn như quá trình cây lương thực thụ phấn, đang dần biến mất do việc san bằng rừng và thảo nguyên, đồng thời làm Trái đất nóng lên bằng khí nhà kính. Một triệu loài hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng và nhiều quần thể động vật hoang dã đã giảm gần 70% trong 50 năm qua.

“Những con số thật đáng sợ. Chúng ta đã mất gần như một nửa diện tích rừng, một nửa số rạn san hô. Tình hình thực sự tồi tệ”. Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF International trả lời tờ Vox.

Các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học, như COP15, thường không được chú ý nhiều như các cuộc đàm phán về khí hậu, ví dụ như COP27 ở Ai Cập hồi tháng 11 vừa qua. Chỉ một vài nguyên thủ quốc gia có mặt ở Montreal, cũng như không hề có người nổi tiếng nào làm gương mặt đại diện để truyền tải những thông điệp quan trọng. Tuy nhiên, thỏa thuận mà hội nghị đã đạt được là một bước đột phá lớn, với những tác động trên phạm vi rộng, bao gồm các tập đoàn, các tổ chức tài chính và các chính phủ trên thế giới.

Thỏa thuận Côn Minh-Montreal là gì?

Hội nghị COP15 do Trung Quốc chủ trì, ban đầu được lên kế hoạch tổ chức ở thành phố Côn Minh vào năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính quyền Trung Quốc đề nghị hoãn, sau đó Canada đề xuất hỗ trợ về địa điểm và tham gia đồng chủ trì. Hội nghị diễn ra từ ngày 7-19/12. Do vậy, thỏa thuận sẽ được đặt tên là Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal theo tên hai thành phố chủ nhà.

Thỏa thuận được thông qua sau gần hai tuần đàm phán giữa 196 quốc gia tham gia công ước đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (LHQ). Các bên tìm kiếm thỏa thuận mới để ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên của con người và bắt đầu khôi phục lại những gì đã mất.

Thỏa thuận bao gồm bốn mục tiêu và 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030. Trong số các mục tiêu toàn cầu này có việc bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái (còn được gọi là Mục tiêu 30 x 30).

Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết huy động ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm từ nguồn công và tư để tài trợ cho thiên nhiên và giảm các khoản trợ cấp có hại cho thiên nhiên ít nhất 500 tỷ USD vào năm 2030; công nhận quyền và vai trò của người dân bản địa trong việc bảo vệ thiên nhiên trên toàn cầu; kêu gọi các biện pháp pháp lý và chính sách để đảm bảo chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gene.

Trong gói hỗ trợ tài chính trên, các bên tham gia thỏa thuận đồng ý cung cấp 20 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển kể từ năm 2025, cao gấp hai lần so với các khoản hỗ trợ hiện tại. Kể từ năm 2030, khoản tiền này sẽ tăng lên 30 tỷ USD mỗi năm.

Tại phiên họp cấp cao với chủ đề “Nền văn minh sinh thái-Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống trên Trái Đất” trong khuôn khổ COP15, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu. Việt Nam luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Liệu có khả thi?

Các chuyên gia đánh giá, thỏa thuận là điểm khởi đầu, nếu được thực hiện, sẽ tạo ra sự bảo vệ vững chắc hơn cho đa dạng sinh học toàn cầu so với bất kỳ văn bản nào trước đó, mặc dù chưa đạt đến mức để trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Trong khi đó, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường so sánh thỏa thuận này mang tính bước ngoặt như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm khống chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá khứ, thế giới đã một lần “mừng hụt”. Năm 2010, các quốc gia thành viên của Công ước về đa dạng sinh học LHQ đã cam kết tại Aichi, Nhật Bản nhằm thực hiện một kế hoạch để hạn chế thiệt hại gây ra cho thế giới tự nhiên trong một thập kỷ (còn được biết đến là Mục tiêu Aichi). Trong đó, 20 mục tiêu đã được đặt ra, từ loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và hạn chế mất môi trường sống đến bảo vệ nguồn cá. Năm 2020 trong Báo cáo Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu (GBO), LHQ cho biết không có mục tiêu nào được thực hiện.

Các chuyên gia cho rằng các quốc gia không đáp ứng được các mục tiêu Aichi vì hai lý do chính: thiếu kinh phí cho bảo tồn và không có hệ thống giám sát và báo cáo rõ ràng để buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm. Thư ký điều hành của Công ước về đa dạng sinh học Elizabeth Maruma Mrema khẳng định, phải có sự theo dõi chặt chẽ các quốc gia tham gia cam kết để tránh những sai lầm trong quá khứ xảy ra. Do vậy, các đại biểu ở Montreal cũng đã đàm phán về một kế hoạch theo dõi tiến độ đối với từng mục tiêu, sử dụng một loạt các chỉ số và báo cáo về tiến độ đó vài năm một lần.

Bên cạnh đó, cũng giống như Hiệp định Paris, Thỏa thuận Côn Minh-Montreal không có tính ràng buộc pháp lý. Đây cũng là mối lo ngại của giới khoa học. Tuy vậy, theo ông Andrew Deutz đến từ tổ chức The Nature Conservancy, có rất nhiều công cụ phi pháp lý khác để giúp các quốc gia đi đúng hướng và một trong số đó là áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Nói cách khác, quốc gia nào đang làm tốt sẽ được cộng đồng quốc tế khen ngợi và ngược lại.

Cuối cùng, không gì có thể đảm bảo rằng, thỏa thuận này sẽ thành công. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu không có những giải pháp cấp bách hướng tới việc bảo vệ rừng, đại dương và các sinh vật trên khắp hành tinh, tương lai của hành tinh sẽ gặp nguy và các hoạt động của con người gây phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và dẫn tới cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa đẩy hàng triệu loài động, thực vật tới nguy cơ tuyệt chủng. Con người không thể sống sót nếu không có thiên nhiên. Vì vậy, cộng đồng quốc tế khẳng định thỏa thuận này buộc phải thành công, bằng bất cứ giá nào.

Vai trò đặc biệt của Trung Quốc

Sau khi Thỏa thuận được đúc kết, truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều nhận định về vai trò quan trọng đặc biệt của nước chủ trì Trung Quốc. Theo AFP, trong suốt tuần lễ đầu tiên của hội nghị, không khí vô cùng ảm đạm do sự bất đồng của các quốc gia tham gia đàm phán. Trên thực tế, theo hãng tin Pháp, Trung Quốc đã nhường hẳn cho Canada phụ trách điều phối các cuộc đàm phán trong tuần lễ đầu tiên. Đến ngày 15/12, sau khi bộ trưởng môi trường các nước có mặt, Trung Quốc mới công bố lộ trình đàm phán và chia các quốc gia tham gia đàm phán thành ba nhóm để trực tiếp thảo luận về những bất đồng gay gắt nhất. AFP cũng nhận định, Trung Quốc đã khéo léo xử lý các bất đồng, mềm dẻo nhưng cũng vô cùng cứng rắn để thỏa thuận Côn Minh-Montreal có thể được thông qua.