Những thất bại lớn nhất của giới công nghệ trong năm 2021

Bên cạnh các thành công đáng chú ý, giới công nghệ năm qua cũng đối mặt với nhiều thất bại và sự cố nghiêm trọng.

Năm 2021 với sự đang xen giữa thách thức và hi vọng, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, giới công nghệ cũng đạt được một số thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, xuất hiện không ít sản phẩm thất bại hoặc sự cố nghiêm trọng. Dưới đây là những thất bại lớn nhất của giới công nghệ, theo CNN.

Rò rỉ dữ liệu tại Facebook và LinkedIn. Vào tháng 4, các chuyên gia an ninh mạng cho biết thông tin cá nhân của 530 triệu người dùng Facebook, bao gồm số điện thoại, ngày sinh và địa chỉ email, bị đăng tải công khai. Cũng trong tháng 4, LinkedIn xác nhận thông tin công khai của khoảng 500 triệu hồ sơ người dùng đang bị hacker rao bán. Theo mạng xã hội nghề nghiệp này, dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, không phải là vụ tấn công nhằm vào Linkedln. Các vụ việc kể trên một lần nữa cho thấy khả năng dữ liệu người dùng tại những tập đoàn lớn dễ bị tổn thương như thế nào trước sự xâm nhập của tội phạm mạng. Ảnh: Getty Images.

Hiểm họa từ ransomware. Năm nay, các cuộc tấn công ransomware (bắt cóc dữ liệu đòi tiền chuộc) tăng mạnh, đặc biệt là những cuộc tấn công nhắm vào những doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng. Vào tháng 5, tin tặc đã xâm nhập vào đơn vị vận hành đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ, Colonial Pipeline, buộc công ty này phải tạm dừng hoạt động. CEO Pipeline thừa nhận phải trả cho những kẻ tấn công 4,4 triệu USD. Sang tháng 6, cơ quan điều tra của Mỹ tuyên bố thu hồi được số tiền mã hóa trị giá 2,3 triệu USD, một phần trong số tiền chuộc mà Colonial Pipeline đã trả cho tin tặc trong vụ tấn công chấn động này. Ảnh: Getty Images.

Internet toàn cầu ngừng hoạt động 2 lần. Trong vòng chưa đầy 2 tuần, Internet toàn cầu đã xảy ra sự cố liên tiếp, khiến cho một phần lớn mạng lưới ngừng kết nối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ. Sự cố này cũng cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của đời sống con người vào Internet. Đầu tiên, vào ngày 8/6, hàng loạt trang web bao gồm Reddit, CNN, Amazon… đã ngừng hoạt động do mạng phân phối nội dung Fastly gặp sự cố. Đến 17/6, vấn đề lặp lại với, Akamai Technologies – một công ty có chức năng tương tự - khiến nhiều website mất truy cập, gồm các trang web của Southwest Airlines, United Airlines, Commonwealth Bank of Australia và Hong Kong Stock Exchange. Sự được phát hiện trong vòng một phút và kéo dài chưa đến một giờ đối với hầu hết trang web bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là sự cố Internet lớn duy nhất trong năm. Vào tháng 12, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon đã bị 3 lần ngừng hoạt động dẫn đến sự cố cho Disney+, Slack, Netflix, Hulu và nhiều nền tảng khác. Ảnh: Shutterstock.

Khủng hoảng của Facebook. Ngày 4/10 là thời điểm tồi tệ trên nhiều khía cạnh đối với công ty hiện đã đổi tên thành Meta. Đêm trước đó, người tố giác Frances Haugen tiết lộ danh tính trên chương trình "60 Minutes" và tuyên bố rằng Facebook biết rõ việc nền tảng bị dùng để lan truyền thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và bạo lực. Sáng 4/10, sự nghiêm trọng khiến Facebook, WhatApp và Instagram ngừng hoạt động trong nhiều giờ. Hãng tuyên bố nguyên nhân là vấn đề khi "thay đổi cấu hình". Cổ phiếu Facebook lao dốc khi hãng đối mặt với hàng loạt khó khăn, gồm việc sập mạng, sự xuất hiện của Haugen, nguy cơ bị quốc hội Mỹ giám sát chặt chẽ hơn. Ảnh: Reuters.

Xe "tự lái hoàn toàn" của Tesla trễ hẹn. Elon Musk nhiều lần nói về phần mềm "tự lái hoàn toàn" của công ty xe điện Tesla. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, nó vẫn chưa trở thành hiện thực. Autopilot cung cấp các tính năng hỗ trợ người lái nhưng yêu cầu tài xế phải luôn tỉnh táo, sẵn sàng điều khiển. Ngoài ra, những người đã mua gói dịch vụ thử nghiệm với giá 10.000 USD cho biết tính năng tự lái không tốt như kỳ vọng. Đã có vài sự cố khi xử lý tình huống giao thông xuất hiện trên đường. Chẳng hạn một chiếc Tesla Model 3 đâm vào xe tải giao hàng khi tránh người đi xe đạp, thậm chí đi vào làn đường trái chiều hay sắp đâm vào hàng rào. Ảnh: CNN.