Ồ ạt thoái vốn khỏi BĐS trong quá khứ, Sơn Hà bất ngờ muốn lập quy hoạch KĐT 900ha tại Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu đô thị, dịch vụ, thể dục thể thao Mai Pha - Tân Liên - Gia Cát, tỷ lệ 1/2.000 với quy mô gần 900 ha. Đồ án quy hoạch được Công ty CP Quốc tế Sơn Hà tài trợ kinh phí.

Sơn Hà tài trợ lập quy hoạch dự án “khủng” gần 900ha tại Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu đô thị, dịch vụ, thể dục thể thao Mai Pha - Tân Liên - Gia Cát, tỷ lệ 1/2.000 với quy mô khoảng 899,75 ha.

Phạm vi quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và xã Tân Liên, xã Gia Cát huyện Cao Lộc. Quy mô dân số dự kiến của khu đô thị là khoảng 50.000 - 60.000 người.

Ranh giới dự án có phía Đông giáp xã Khánh Xuân (huyện Lộc Bình); phía Tây giáp đường quy hoạch cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (xã Mai Pha, TP Lạng Sơn); phía Bắc giáp xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) và phía Nam giáp xã Tân Liên (huyện Cao Lộc).

Mục tiêu dự án nhằm cụ thể hoá định hướng quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn, các quy hoạch chuyên ngành, về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninhm hệ thống đô thị và phâ bố dân cư, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông tông và các  quy hoạch lĩnh vực khác.

Văn bản đồng ý chủ trương tiếp nhận kinh phí tài trợ của CTCP Quốc tế Sơn Hà

Thúc đẩy quá trình đô thị hoá, tạo động lực thúc đẩy phát triển vai trò đô thị vùng biên gắn với các tuyến giao thông giữa các cửa khẩu quốc tế, tạo nguồn lực phát triển kinh tế cho địa phương về thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ.

Làm cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, phòng ngừa, ngân chặn, giảm thiểu tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội của quá trình phát triển đô thị.

Về tính chất, đây là phân khu đô thị, đầu mối thương mại - dịch vụ phía Đông của TP Lạng Sơn; tập trung phát triển dịch vụ hậu cần du lịch, kho vận và logistics; là trung tâm thể dục thể thao cấp đô thị; phát triển các cụm tiểu thủ công nghiệp và đầu mối giao thông…

Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn được giao là đơn vị tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch. Thời gian lập quy hoạch không quá 9 tháng kể từ ngày 7/9/2021.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đồng ý chủ trương tiếp nhận kinh phí tài trợ của CTCP Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI) để tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, dịch vụ, thể dục thể thao Mai Pha - Tân Liên - Gia Cát, thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc theo đề nghị của Sở Xây dựng.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ động liên hệ, tiếp nhận nguồn kinh phí tài trợ từ doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục tổ chức lập quy hoạch theo các quy định hiện hành.

Tham vọng địa ốc của đại gia Lê Vĩnh Sơn

Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà tiền thân là Công ty TNHH Cơ Kim khí Sơn Hà, doanh nghiệp được thành lập vào năm 1998 với vốn điều lệ 600 triệu đồng. Sơn Hà được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành với lĩnh vực cốt lõi gồm sản phẩm dân dụng và công nghiệp, nước sạch, năng lượng tái tạo…

Thời gian gần đây, Sơn Hà gây nhiều chú ý khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, đặc biệt ở mảng bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp của đại gia Lê Vĩnh Sơn nuôi tham vọng sẽ dẫn đầu mảng này trong 5 năm tới.

Tại báo cáo thường niên năm 2020 của Sơn hà được công bố mới đây, danh mục ngành nghề kinh doanh của Sơn Hà đã xuất hiện thêm ngành hạ tầng công nghiệp và bất động sản với dự án Khu công nghiệp Tam Dương, Vĩnh Phúc với quy mô sử dụng đất 162,33 ha. Trong đó, phần đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là 156,76 ha.

Thông tin dự án KCN Tam Dương, Vĩnh Phúc. Nguồn: Báo cáo thường niên 2020 SHI  

Điều này có lẽ không quá bất ngờ, bởi trước đó tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Sơn Hà đã đưa ra thông điệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ngành nước, năng lượng tái tạo và đặc biệt là bất động sản công nghiệp.

Riêng với bất động sản công nghiệp, lãnh đạo Sơn Hà cho biết, doanh nghiệp đã tính toán trước đó về làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI và hiện có 3 dự án ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Trong đó, dự án ở Vĩnh Phúc đã được doanh nghiệp chuẩn bị kỹ về pháp lý từ 3 năm trước và khu đầu tiên ở Vĩnh Phúc đã gần như xong về pháp lý và chuẩn bị giải phóng mặt bằng.

Dự án ở Hà Nội, Quảng Ninh cũng đang có tiến triển tốt. Khách hàng của Sơn Hà cũng có sẵn, chỉ chờ thực hiện xong dự án là hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm thêm nhiều khu công nghiệp, nhưng cũng sẽ thận trọng, tránh cảm xúc đầu tư ồ ạt, không hiệu quả.

Cùng với bất động sản công nghiệp, Sơn Hà cũng đang có những động thái cụ thể đối với bất động sản nhà ở, khu đô thị. Điển hình nhất là việc tài trợ lập quy hoạch khu đô thị “khủng” với quy mô diện tích lên đến 900 ha nêu trên.

Và việc tài trợ lập quy hoạch dự án là có thể là một trong những bước đi đầu tiên để Sơn Hà tiếp cận, tiến đến thâu tóm, phát triển quỹ đất, đầu tư xây dựng dự án phục vụ tham vọng địa ốc của doanh nghiệp…

Quá khứ “đáng quên”

Trong quá khứ, vào khoảng năm 2009 Sơn Hà từng “nhảy” vào mảng địa ốc khi rót vốn vào loạt dự án đình đám là Dự án Khu đô thị Kiến Hưng, Hà Nội, dự án Dự án Paradise Garden Đà Lạt, dự án Dự án Cao ốc Văn phòng Sông Hồng.

Theo thông tin trên báo Đấu Thầu, tại dự án Khu đô thị Kiến Hưng, với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.600 tỷ đồng, Sơn Hà góp 30%; Dự án Paradise Garden, Đà Lạt, Lâm Đồng, với tổng vốn đầu tư 434 tỷ đồng, Sơn Hà góp 25%. Tại Dự án Cao ốc Văn phòng Sông Hồng, Sơn Hà góp vốn 45%…

Sơn Hà từng đầu tư dự án Khu đô thị Kiến Hưng nhưng không thành công.  

Ngoài ra, Sơn Hà cũng nhận được được quyết định đầu tư Dự án Nhà ở thương mại tại khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, Từ Liêm, Hà Nội.

Sau đó, thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng mà khởi đầu là việc giảm cho vay đối với bất động sản. Giai đoạn 2011 – 2013, thị trường ảm đạm, suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải bán tháo dự án, bị ngân hàng siết nợ, hàng loạt vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng của các đại gia bất động sản diễn ra…

Sơn Hà khi đó cũng đối diện với nhiều khó khăn, vì vậy doanh nghiệp thông báo với cổ đông là sẽ thoái toàn bộ vốn tại các dự án bất động sản để tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, giảm áp lực tài chính và rủi ro cho Công ty. Kết quả, Sơn Hà đã chấp nhận khoản lỗ “khủng” lên đến 600 tỷ đồng để “rút chân” khỏi lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, Sơn Hà cũng phải dừng Dự án tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm do không có vốn đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sau đó đã ra quyết định thu hồi dự án này sau hàng chục năm bị bỏ hoang.

Sau “thất bại” này, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà đã hứa với các cổ đông là trong 5 năm, doanh nghiệp sẽ không làm bất động sản.

Vì vậy, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra cuối tháng 6/2020, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho biết doanh nghiệp sẽ đầu tư sang mảng hạ tầng công nghiệp, bất động sản đã khiến cổ đông nghi ngờ và về năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm Sơn Hà nhận quyết định thu hồi dự án tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, do đó, càng khiến cổ đông lo lắng, liệu Sơn Hà có đi theo vết xe đổ lần thứ nhất? Nhất là khi bối cảnh thị trường hiện nay đang nhiều bất lợi, nguồn vốn tín dụng bất động sản bị siết, điểm này có phần tương đồng với thị trường giai đoạn năm 2011 – 2013.

Sơn Hà đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Đang chú ý, Sơn Hà muốn nhảy sang lĩnh vực địa ốc trong bối cảnh tình hình tài chính không mấy sáng sủa, khi khi doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn với số nợ phải trả ở mức cao, dòng tiền kinh doanh âm và lợi nhuận èo uột…

Đặc biệt là tỷ lệ nợ phải trả của doanh nghiệp gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Tại ngày 31/6/2021, vốn chủ sở hữu của Sơn Hà là 1.395 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả là 3.405 tỷ đồng, tăng thêm 7% so với đầu năm 2021.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã lên 2.178 tỷ đồng, số tiền này cũng đã lớn gấp gần 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, công ty cũng còn có 215 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Do đó, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Sơn Hà xấp xỉ 174%, cao hơn 3 năm liền trước.

Ngoài ra, Sơn Hà còn gặp áp lực cạnh tranh với đối thủ khi hàng loạt “ông lớn” có kinh nghiệm, năng lực tài chính dồi dào nhảy vào BĐS công nghiệp như Vingroup, Tập đoàn Hoà Phát, Viglacera….