Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội.
Nội dung này được nhấn mạnh tại Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 11/1.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, trí tuệ.
Kết quả kỳ họp thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và phối hợp chuẩn bị từ sớm của các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị kỳ họp.
Đồng thời khẳng định Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan luôn thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo để phát triển nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung như: Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Thông qua 4 nghị quyết: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về những kết quả đạt được trong duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội; tạo nền tảng quan trọng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Trong đó, tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, nhất là các nghị quyết 5 năm, hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội cùng với việc khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự gắn kết tổng thể, thống nhất, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn và tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo; lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong từng quyết sách được ban hành.
Triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các thứ tự ưu tiên, cơ chế đặc thù, phân nhóm nội dung cụ thể, có sự tiếp nối, kế thừa, có sức lan tỏa, dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Trong đó, tập trung các giải pháp về: hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước…
Ngoài ra, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đẩy nhanh lộ trình tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên; nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em. Bảo đảm tất cả người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp và tất cả bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.
Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
“Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào” – Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Quốc hội kêu gọi cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn để đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.