Rau bẩn 'đội lốt' VietGAP: Truy trách nhiệm giám đốc siêu thị

'Giám đốc siêu thị phải coi bán hàng như bán cho người thân của mình, đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả' - chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin liên quan đến việc rau không đảm bảo nguồn gốc được lưu hành trên các kệ hàng của các chi nhánh siêu thị lớn dưới "vỏ bọc" VietGAP. Điều này tác động lớn đến tâm lý, niềm tin của người tiêu dùng không chỉ đối với rau xanh và cả các loại thực phẩm khác bày bán trong siêu thị.

Chị Đỗ Thị Anh Thư (ở Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết nhiều năm nay đã chuyển hẳn sang mua rau sạch tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. "Dù đắt hơn một chút nhưng vẫn yên tâm hơn rau ở chợ. Tuy nhiên, nếu mua ở siêu thị cũng không đảm bảo thì chẳng còn biết tin tưởng mua ở đâu nữa", chị Thư chia sẻ.

Theo khảo sát tại các siêu thị Winmart, Winmart +... trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng rau bị phản ánh như Trình Nhi, Đông A… đều không còn xuất hiện trên các quầy hàng. Các siêu thị cho biết, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhà cung cấp phải gửi toàn bộ giấy tờ về chứng nhận an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, giấy VietGAP, Organic... cho siêu thị. Bộ phận kiểm soát chất lượng, thu mua sẽ kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất của các nhà cung cấp.

Quầy hàng rau quả trong siêu thị (Ảnh minh họa).

Quầy hàng rau quả trong siêu thị (Ảnh minh họa).

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) thông tin, để quản lý an toàn thực phẩm từ gốc, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương về xây dựng vùng sản xuất an toàn. Cùng với đó, tăng cường lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường và vẫn phát hiện vi phạm.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy hơn 1.200 mẫu nông, lâm, thủy sản để giám sát, trong đó phát hiện 41/844 mẫu (chiếm 4,9%) có kết quả vi phạm các chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm. Các quận, huyện đã tiêu hủy trên 3 tấn sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới. Đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát chất lượng; đưa ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, vụ việc rau "bẩn” lọt vào siêu thị mới đây tại TP.HCM là bài học chung, không chỉ cho siêu thị mà cả những nhà quản lý thương mại. Đó là phải quản trị thường xuyên, liên tục toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đầu vào đến kho, sơ chế, kiểm tra, phân loại trước khi ra quầy bán lẻ, sau đó lắng nghe khách hàng qua các kênh góp ý.

Theo vị chuyên gia, đầu tiên cần phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công Thương vừa sửa đổi, thực hiện nghiêm quy chế đó là một. Thứ hai là phải giáo dục đội ngũ nhân viên, đi đôi với khen thưởng, xử lý người vi phạm.

"Nội bộ kiểm tra là chính, nhưng các cơ quan quản lý thị trường, y tế cũng phải giúp các đơn vị kiểm tra tốt hơn. Phải tăng cường tự kiểm tra hàng hóa. Giám đốc siêu thị phải coi bán hàng như bán cho người thân của mình, đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả" - chuyên gia Phú nói.

Ngoài ra, trong lĩnh vực trồng trọt, hiện có trên 40 tổ chức được cấp quyết định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp VietGAP. Việc có quá nhiều đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP là lỗ hổng trong việc quản lý việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP.

Vị chuyên gia thông tin, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Do đó, tăng cường chất lượng phục vụ, vệ sinh toàn thực phẩm tại chợ là yêu cầu quan trọng với ngành công thương các địa phương, bên cạnh việc quan tâm chất lượng thực phẩm tại siêu thị.