Sai phạm 'đất vàng' 43ha ở Bình Dương: Tổng cty 32, Âu Lạc... liên quan gì?

25/08/2021 15:49

Dù không đứng tên trong nhóm cổ đông sáng lập, góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc nhưng kết quả điều tra xác định bị can Dương - con rể cựu Chủ tịch Tổng Công ty 32 đã thông qua 4 người để chuyển 24,2 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Âu Lạc.

Liên quan đến sai phạm “đất vàng” 43ha ở Bình Dương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới đây đã ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2) và các đơn vị có liên quan.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu đã thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố 21 bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong số 21 bị can bị đề nghị truy tố, có cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Trước đó, ông Nam đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Khu "đất vàng" 43ha ở Bình Dương. (Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM).

Tổng Công ty 32, Âu Lạc... liên quan gì?

Theo kết luận của cơ quan điều tra (CQĐT), bị can Nguyễn Đại Dương thông qua bố vợ là ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty 3/2 từ năm 2010 - tháng 9.2017), biết Tổng Công ty 3/2 có khu đất 43ha nên thống nhất thành lập Công ty Âu Lạc, giao cho Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng giám đốc ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2, thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để mua khu đất 43ha với giá 570.000 đồng/m2.

Dù không đứng tên trong nhóm cổ đông sáng lập, góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc nhưng kết quả điều tra xác định bị can Dương đã thông qua 4 người để chuyển 24,2 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Âu Lạc…

Theo kết luận điều tra, năm 2016, Tổng Công ty 3/2 chưa chuyển nhượng 43ha cho Công ty Tân Phú và chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty này cho Công ty Âu Lạc.

Tuy nhiên, Nguyễn Đại Dương đã đàm phán với bà Đặng Thị Kim Oanh (cổ đông Công ty Kim Oanh) về việc Công ty Tân Phú đã nhận chuyển nhượng 43ha từ Tổng Công ty 3/2; Công ty Âu Lạc sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú.

Theo đó, Công ty Tân Phú sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn cho bà Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương điều hành thực hiện hợp đồng trên, Nguyễn Văn Minh đã đại diện Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng.

Nguyễn Đại Dương (trái) thông đồng với bố vợ thâu tóm đất vàng. (Ảnh: Dân Việt).

Gây thiệt hại lớn

Kết luận của CQĐT xác định, bị can Nguyễn Đại Dương cùng với bố vợ là Nguyễn Văn Minh có vai trò chủ mưu, chỉ đạo điều hành, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền trên 300 tỷ đồng ở Bình Dương. Trong vụ án này, CQĐT cũng đề nghị truy tố đối với bị can Nguyễn Đại Dương về cùng tội danh trên.

Cụ thể, quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2, bị can Minh đã chỉ đạo xây dựng phương án sử dụng đất của Công ty, được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt. Theo đó, Tổng Công ty 3/2 phải chuyển giao khu đất 43ha về Công ty Impco và đưa khu đất 145ha tiếp tục kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Tuy nhiên, bị can Minh cố ý quyết định và chỉ đạo các thành viên HĐTV thống nhất chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu Dân cư - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú (thực chất là Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương), gây thất thoát 302 tỷ đồng.

Đối với khu đất 145ha, dù đã phân loại vào mục A là “tài sản đang dùng” của Tổng Công ty 3/2 nhưng bị can Minh vẫn chỉ đạo để chuyển sang mục C là “tài sản chờ thanh lý”, đồng thời chỉ đạo các thành viên HĐTV đưa khu đất 145ha vào góp vốn tại Công ty Tân Thành mà không định giá, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Hành vi này bị CQĐT xác định “gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1.160 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43ha, bị can Minh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện “hợp thức hóa” văn bản 145 để trên cơ sở đó Tỉnh ủy Bình Dương ban hành công văn, làm sai lệch bản chất phương án sử dụng đất đã phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương trước đó.

Trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Nguyễn Đại Dương từng biết đến là đại gia khét tiếng bậc nhất ở Hà Nội. Trong giai đoạn trước năm 2009, Nguyễn Đại Dương từng sở hữu chuỗi nhà hàng, showroom ô tô và đặc biệt là vũ trường New Century tại Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết "Sai phạm 'đất vàng' 43ha ở Bình Dương: Tổng cty 32, Âu Lạc... liên quan gì?" tại chuyên mục CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#