Sai phạm hiến đất làm đường: Khánh Hoà kỷ luật lãnh đạo, Lâm Đồng vẫn chưa công bố

Khánh Hòa cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND Cam Lâm đối với bà Lê Phạm Thùy Ngân, kỷ luật nhiều lãnh đạo do những sai phạm liên quan đến hiến đất mở đường. Trong khi đó, Lâm Đồng chưa công bố xử lý sai phạm tương tự.

Khánh Hòa quyết liệt xử lý sai phạm

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ra quyết định cách chức đối với bà Phạm Thùy Ngân Ngân vì đã có những khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Quyết định 598-QĐ/TU ngày 03/6/2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân (Phó chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021) và bà Lê Phạm Thùy Ngân (Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm); thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Lê Anh Tùng (Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự (nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm) và ông Nguyễn Hữu Hảo (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021).

chinh-quyen-khanh-hoa-manh-tay-xu-ly-sai-pham-ve-hien-dat-mo-duong-tiep-tay-cho-phan-lo-ban-nen-tai-huyen-cam-lam-1665562403.jpgChính quyền Khánh Hòa mạnh tay xử lý sai phạm về hiến đất mở đường, tiếp tay cho phân lô bán nền tại huyện Cam Lâm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm trong 2 nhiệm kỳ trên đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền, cho phép nhiều trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để làm đường, tách thửa không đúng quy định với diện tích lớn.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm đã không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa, để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nêu trên trách nhiệm thuộc về Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 và các ông, bà gồm: Lương Dự, Nguyễn Hữu Hảo, Nguyễn Trí Tuân, bà Lê Phạm Thùy Ngân và ông Lê Anh Tùng cùng một số đảng viên, cán bộ của huyện Cam Lâm.

Chưa hết, những khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm trong 2 nhiệm kỳ và các đảng viên nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 26/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã họp xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các đảng viên vi phạm liên quan đến việc “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền.

Điểm nóng Lâm Đồng bao giờ công bố xử lý sai phạm?

Không chỉ riêng tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng là một trong những điểm nóng trong hiến đất mở đường trên đất nông nghiệp, đặc biệt là tại Bảo Lộc, Lâm Hà và Bảo Lâm. Thời gian qua, nhiều cuộc họp nóng đã diễn ra nhằm chấn chỉnh các hoạt động phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn và nêu rõ các sai sót trong hiến đất mở đường gây băm nát quy hoạch.

Ngày 21/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 80/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Sau khi rà soát, đến ngày 10/2/2022, UBND huyện Bảo Lâm có Quyết định số 27/BC-UBND về việc tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn huyện.

Cụ thể, theo báo cáo UBND huyện Bảo Lâm, qua rà soát từ 2018 đến nay, UBND huyện đã giải quyết hồ sơ cho 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông. Tổng diện tích khu đất của 77 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông là 1.539.935,8 m2 (hơn 150 ha đất). Dẫn đầu là xã Lộc Quảng (578.174,1 m2), tiếp đến là xã Lộc Tân (549.731,7 m2), xã Lộc An (151.771,4 m2), xã Lộc Ngãi (99.982,4 m2), xã Lộc Phú (48.300,1 m2)…

Đặc biệt, diện tích hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông mới là 307.437,6 m2. Tổng số thửa đất mới khi tách lên đến 16.903 thửa. Trong đó, năm 2019 là 3.760 thửa, đến năm 2020 tăng lên gần gấp đôi là 6.260 thửa, tiếp tục đến năm 2021 tăng lên là 6.883 thửa.

lang-sinh-thai-nghi-duong-la-melodie-phan-lo-36ha-tiep-tuc-duoc-chinh-quyen-bung-bit-thong-tin-1665562431.jpegLàng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie phân lô 36ha tiếp tục được chính quyền bưng bít thông tin

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng: Điểm nóng phân lô đầu tiên đã thừa nhận “hiến đất làm đường” trái Luật Đất đai, Kết luận kiểm tra Công tác tham mưu hiến đất làm đường và cho ý kiến đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn huyện Lâm Hà, cho biết, thời gian qua, trước nhu cầu người dân xin mở đường nhằm phục vụ nhu cầu làm đường đi chung, sản xuất nông nghiệp và thuận lợi cho việc sử dụng đất của cộng đồng dân cư trong khu vực, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT) đã tham mưu cho UBND huyện triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều hạn chế.

Có 35/43 trường hợp người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích nhu cầu thực tế “xin phép mở đường đi để đủ điều kiện được tách thửa”, trong khi báo cáo lại thể hiện “người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích mở đường đi chung cho cộng đồng dân cư...”. Đây là phản ánh chưa chính xác, chưa đúng với thực tế.

Sau khi được UBND huyện chấp thuận chủ trương cho mở đường, người dân đã đầu tư xây dựng các tuyến đường, tự thiết kế, lập bản vẽ phân lô để rao bán và hình thành một số điểm dân cư mới tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.

Đáng nói, 7/43 vị trí xin mở đường đi “thuộc quy hoạch đất ở” theo báo cáo thẩm tra của Phòng KTHT là chưa đúng, vì chỉ có một phần nhỏ thuộc quy hoạch đất ở, còn lại đa số diện tích thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, hoặc toàn bộ thửa đất thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp.

Việc tham mưu cho UBND huyện chấp thuận chủ trương cho người sử dụng đất tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp để đủ điều kiện tách thửa là chưa đảm bảo quy định về chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

du-an-ma-the-tropicana-garden-1-gan-100-can-biet-thu-do-ca-nhan-dau-tu-ma-khong-thanh-lap-doanh-nghiep-1665562462.jpegÔng Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thị sát tại "dự án ma" The Tropicana Garden 1 gần 100 căn biệt thự do cá nhân đầu tư mà không thành lập doanh nghiệp

Tại huyện Bảo Lâm, Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Nhi cũng thừa nhận hiến đất làm đường sai quy định. Thông tin đã được Reatimes phản ánh qua bài Lâm Đồng: Phó Chủ tịch huyện khen kinh tế phân lô, Chủ tịch thừa nhận sai phạm, ngày 23/12/2021, báo địa phương cho biết, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bảo Lâm về một số vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề đất đai, xây dựng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, thời gian qua địa phương đã để xảy ra những sai phạm, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh. Trong đó, tập trung vào các vụ việc hiến đất mở đường sai quy định và tình trạng xây dựng các dự án bất động sản không phép xảy ra tại một số địa phương như Lộc Tân, Lộc Quảng, B’Lá và Lộc An...

Trong khi đó, ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh, trước những tồn tại, vướng mắc đã xảy ra trên lĩnh vực đất đai, xây dựng là không thể phủ nhận và trách nhiệm thuộc về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu địa phương; cùng với đó, là trách nhiệm của một số sở, ngành liên quan.