Sai phạm nghiêm trọng ở Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn

Được giao diện tích rừng rất lớn, nhưng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn làm ăn không hiệu quả, lãng phí tài sản cả ngàn tỷ đồng của Nhà nước.

Hàng ngàn ha rừng bị mang đi thế chấp, mất cả gốc lẫn lãi

Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bắc Kạn, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được tỉnh Bắc Kạn giao hơn 17.728 hecta đất rừng, gồm 3.298 hecta đất rừng phòng hộ và hơn 14.400 hecta đất rừng sản xuất, cùng một số đất nông nghiệp và đất chuyên dùng (tổng giá trị thời điểm hiện tại lên tới cả ngàn tỷ đồng). Với nguồn lực rất lớn như vậy, công ty được kỳ vọng sẽ là xương sống trong sản xuất lâm nghiệp bền vững, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế nói chung và đời sống của hàng chục ngàn hộ dân nông thôn tỉnh Bắc Kạn. Nhưng trên thực tế lại ngược lại, công ty này làm ăn thua lỗ kéo dài làm mất vốn, mất đất, mất rừng.

Một trong những vụ việc gây bức xúc dư luận của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn là việc chuyển giao hàng nghìn hecta đất lâm nghiệp sang Công ty CP Sahabak không đúng quy định. Theo tìm hiểu, ngày 27/12/2007, UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn hợp tác với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Tổng công ty xây dựng Hà Nội thành lập nhà máy chế biến gỗ tại khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Hai đơn vị trên góp vốn bằng tiền, còn Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn góp vốn bằng rừng và đất rừng, thành lập Công ty CP Sahabak.

Ngày 3/9/2009, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản đồng ý về chủ trương cho tách 2.338 hecta đất của công ty chuyển cho Công ty CP Sahabak quản lý theo quy định (trong đó có 710 hecta đất có rừng và tài sản trên đất đã được dùng vào việc góp vốn giá trị tài sản trên đất để thành lập Công ty CP Sahabak). Kết quả đến năm 2016, doanh nghiệp này đã làm mất phần vốn liên doanh 34 tỷ đồng góp vào Công ty CP Sahabak, nợ quá hạn phải trả khoảng 5 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn góp vốn rừng và đất rừng được giao cho SAHABAK là trái luật, gây mất 34 tỷ tiền vốn và cộng thêm khoảng 5 tỷ tiền lãi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Kạn được ban hành vào tháng 7/2021, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn không thống kê, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trong hàng chục năm, dẫn tới đất bị lấn chiếm mà không biết. Công ty còn quản lý, sử dụng hơn 590 hecta đất rừng ngoài quyết định của UBND tỉnh giao. Từ năm 2007 tới nay, đơn vị này không ban hành văn bản, tài liệu nào về biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Đối với diện tích đất đã được giao quản lý, sử dụng, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn “tự ý” thực hiện nhiều nội dung không đúng quy định. Tại huyện Ba Bể và Ngân Sơn, Công ty cho Chi nhánh Viettel Bắc Kạn thuê đặt trạm phát sóng từ năm 2009 đến 2019 không đúng quy định. Đến nay còn hơn 680 triệu đồng phải nộp ngân sách chưa thu được. Công ty hợp đồng giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng với các hộ dân theo quy chế tự ban hành, áp đặt định mức khoán không có căn cứ. Công ty tự điều chỉnh tăng tỷ lệ phần trăm phân chia lợi nhuận, gây thiệt thòi cho người dân nhận khoán. Đây là nguồn cơn của rất nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo đối với Công ty. Ngoài ra, Công ty tự ý bàn giao hơn 496 ha đất rừng ngoài quyết định của UBND tỉnh cho UBND cấp xã và các tổ chức khác.

Tính đến cuối năm 2019, Công ty nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền lương, gần 500 triệu đồng bảo hiểm xã hội, nợ đọng thuế hơn 2,2 tỷ đồng (theo kết luận thanh tra). Ngoài ra, việc Công ty buông lỏng quản lý khiến hàng trăm hecta đất rừng bị người dân lấn chiếm, tình trạng phá rừng do Công ty quản lý cũng diễn ra thường xuyên gây bức xúc trong nhân dân. Theo thống kê, trên diện tích do mình quản lý, Công ty để xảy ra tới 18 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ rừng, có vụ việc có sự tham gia của cán bộ Công ty nhưng chưa xử lý trách nhiệm.

Việc buông lỏng quản lý đất rừng của Công ty Lâm Nghiệp Bắc Kạn để lại nhiều hệ lụy đến nay vẫn chưa giải quyết được. Thực trạng hoạt động bết bát, vướng nhiều sai phạm của đơn vị nghiêm trọng đến mức Thanh tra tỉnh Bắc Kạn đã phải chuyển hồ sơ có dấu hiệu sai phạm sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ.

Công ty CP SAHABAK đã dừng hoạt động từ 2014 đến nay, nhà xưởng trống không. Ảnh: Ngọc Tú.

Người dân sống giữa rừng nhưng thiếu đất sản xuất

Chỉ tính riêng tại huyện Chợ Mới, trước đây rừng do Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý hơn 5.000 hecta. Trong đó có diện tích hơn 2.300 hecta đã góp vốn vào Công ty Cổ phần SAHABAK, mặc dù thời điểm đó doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện để được giao đất, do chưa xây dựng dự án sử dụng đất theo quy định. Sau đó SAHABAK kinh doanh thua lỗ dẫn đến phải dừng hoạt động từ 2014 và đến nay đã thì đã dừng hẳn.

Đến tháng 10 năm 2020 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định thu hồi toàn bộ đất đã giao SAHABAK để chuyển cho huyện Chợ Mới quản lý. Nhưng đến nay, vẫn chưa thể giao cho tổ chức hay cá nhân nào sử dụng, do còn nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản trên đất và vốn góp của các cổ đông Công ty Cổ phần SAHABAK.

Điều này khiến cho nghịch lý xảy ra tại địa phương miền núi này, người dân thiếu đất rừng để làm kinh tế. Như tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) có gần 3 nghìn hecta đất rừng, nhưng có đến hơn 1.600 hecta đã giao cho doanh nghiệp nắm giữ, chỉ biết khai thác chứ không có giải pháp quản lý và phát triển rừng.

Người dân miền núi ở xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới sống xung quanh là rừng, nhưng lại có rất ít đất rừng sản xuất. Ảnh: Toán Nguyên

Như tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu có diện tích hơn 500 hecta đất sản xuất, thì chỉ có khoảng 6 ha đất trồng lúa, còn lại là đất rừng. Trồng rừng là hướng phát triển kinh tế quan trọng của người dân trong thôn, nhưng nghịch lý ở chỗ là mặc dù người dân ngoảnh mặt đâu cũng thấy rừng, nhưng lại gần như không có đất rừng sản xuất. Người dân trồng cây trên đất của doanh nghiệp, sau chu kỳ trồng cây keo khoảng 7 năm cho khai thác, thì chỉ được hưởng lợi một phần rất thấp vào khoảng 30%.

Ông Triệu Hữu Thành, Trưởng thôn Đồng Luông nói: Thôn có 118 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 40%, diện tích rừng rất lớn nếu để cho người dân chính thức sử dụng thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Ví dụ nếu một hộ có từ 3 - 5 hecta thì sẽ thu được từ 70 - 100 triệu/năm.

Tỉnh Bắc Kạn giải quyết hậu quả

Bắc Kạn là tỉnh có thế mạnh về đất lâm nghiệp, việc thành lập Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn trên cơ sở sáp nhập các lâm trường quốc doanh được kỳ vọng là đòn bẩy hiện thực hóa chủ trương phát triển mạnh kinh tế từ rừng. Nhưng Công ty hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, làm mất vốn, mất đất, mất rừng và vướng nhiều sai phạm, đã gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu mô hình doanh nghiệp nhà nước quản lý đất rừng có còn phù hợp trong tình hình hiện nay nữa không?

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin xử lý hoạt động sai phạm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp chưa thực sự xứng đáng vai trò Công ty nhà nước, kỹ thuật canh tác, thâm canh, sản lượng sinh khối gần như không có sự khác biệt với người dân. Sau khi tỉnh đánh giá một cách đầy đủ thông tin, xem xét hoạt động của Công ty, hiệu quả sản xuất kinh doanh… Trên cơ sở đó xem xét sắp xếp phù hợp, cũng có khả năng không cần duy trì, hoặc có thể cổ phần hóa, để phát huy tốt giá trị đất rừng.

Thực tế cho thấy, nếu canh tác tốt, chỉ cần một hộ dân có từ 2 - 3 hecta rừng thì sẽ đem lại thu nhập đáng kể, việc xóa nghèo cũng từ đó mà dễ dàng hơn. Lợi ích kinh tế từ trồng rừng đã thấy rõ, người dân trồng rừng đem lại thu nhập cao, có thể thu được tiền tỷ sau một chu kỳ 6 – 7 năm.

Nhưng khi doanh nghiệp được giao hàng chục nghìn hecta đất thì lại làm ăn bết bát, thua lỗ kéo dài. Đây chính là vấn đề tỉnh Bắc Kạn cần quan tâm và có hướng giải quyết phù hợp.