Sai phạm trong đấu giá đất: Bịt chặt 'kẽ hở' pháp lý

Trong thời gian qua hàng loạt vụ án liên quan đến sai phạm về đấu giá, đất được cơ quan chức năng 'phanh phui'. Qua những cuộc đấu giá thông đồng khiến tài sản Nhà nước bị thất thoát. Vấn đề này không chỉ tạo tâm lý khinh nhờn pháp luật, mà còn làm mất đi ý nghĩa quan trọng của phương thức đấu giá, gây hậu quả khôn lường… Qua đó, cho thấy, pháp luật vẫn còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Lu mờ vì lợi ích

Mới đây, liên quan đến sai phạm trong đấu giá đất tại dự án Helianthus Center Red River thuộc địa bàn xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội), ngày 9/11, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex - về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" cùng 7 bị can khác.

Kết quả điều tra xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị khoảng 500 tỷ đồng. Nhưng các bên liên quan thông đồng với nhau để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn thực tế.

Vi phạm đấu giá đất gây thất thoát tài sản Nhà nước (trong hình khu dự án đấu giá đất sai phạm xã Tiên Dương, huyện Đông Anh). Ảnh: Đạt Lê.

Các bị can lập khống 12 phiếu khảo sát đưa vào hồ sơ thẩm định và hạ giá trị khu đất còn xuống 300 tỷ. Theo hồ sơ xác lập của cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Loan lập nhiều công ty làm “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá khu đất trên.

Trong đó, 1 công ty trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Điều đáng nói, chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, đơn vị này đã tổ chức bán lại với giá từ 80 triệu đồng đến cả trăm triệu một mét vuông tùy vị trí. Cơ quan điều tra xác định hành vi trên gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Ngày 29/10/2021, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định hủy công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án này.

“Sự việc ở huyện Đông Anh không phải là trường hợp đầu tiên, nhưng nó đã dóng thêm hồi chuông cảnh tỉnh về việc bất tuân pháp luật, vì lợi ích mà làm lu mờ đạo đức, trách nhiệm của một số cán bộ Nhà nước và cả doanh nghiệp - những người tiên phong trên mặt trận kinh tế, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Luật sư Trịnh Hữu Đức, Hội Luật gia Việt Nam nói.

Pháp luật vẫn bảo vệ cho người mua

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế&Đô thị, sau khi thông tin dự án dự án Helianthus bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng quyền lợi của mình.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật vẫn bảo đảm một phần quyền lợi của người mua tài sản đấu giá. Điều 7 Luật Đấu giá năm 2016 quy định, trường hợp cơ quan Nhà nước thu hồi tài sản đã bán đấu giá và tổ chức đấu giá lại/giao dự án cho bên khác thì bên chủ đầu tư mới phải đảm bảo quyền lợi cho người mua từ trước.

"Tuy nhiên, người mua tài sản thuộc dự án bất động sản bị thu hồi sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng, hậu quả nhất định tùy thuộc vào từng trường hợp, chẳng hạn như việc chậm tiến độ hoàn thiện, bàn giao tài sản gây ra hiệt hại về vật chất…” – Luật sư Bùi Quang Thu cho hay.

Luật sư Bùi Quang Thu cũng lưu ý thêm, quá trình giải quyết vụ việc xảy ra tại dự án Helianthus sau khi bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, người dân cần phải nắm bắt, sát sao tình hình hủy kết quả và quá trình bàn giao lại tài sản đấu giá của bên cũ với bên trúng đấu giá lại hoặc bên được giao dự án mới. Cùng với đó, đề nghị cơ quan chức năng xác định là người có tài sản “ngay tình” và được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình tố tụng, giải quyết hình sự Chủ tịch Vimedimex, người mua dự án có thể đề nghị Tòa án xác định quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người bị hại khi đưa ra căn cứ chứng minh thiệt hại xuất phát từ mối quan hệ nhân quả với việc thu hồi dự án nêu trên.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, sai phạm của doanh nghiệp là rất rõ ràng và đáng phải lên án kịch liệt, nhưng bên cạnh đó trách nhiệm, phẩm chất đạo đức một số cán bộ trong cơ quan Nhà nước cũng cần phải xem xét lại. Qua vụ việc cũng cho thấy, Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng vào đó “lách luật”, cơ quan lập pháp cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp “bịt kín” lỗ hổng này.

“Doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp hành vi, nhưng nếu như cán bộ Nhà nước làm đúng chức trách của mình thì đâu đến nỗi xảy ra cơ sự như vậy. Tôi cho rằng, muốn giải quyết triệt để tận gốc được vấn đề này quan trọng nhất vẫn phải làm trong sạch bộ máy quản lý” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Theo số liệu Bộ Tư pháp công bố mới đây, số lượng đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các cuộc đấu giá tài sản ở Việt Nam. Tổng giá trị đấu giá quyền sử dụng đất chiếm trên dưới 90% giá trị các cuộc đấu giá tài sản.

Vụ án trên cho thấy những sơ hở trong việc quản lý đất đai, thiếu trách nhiệm và tha hóa của một số cán bộ có liên quan đến việc định giá, tổ chức đấu giá, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tổ chức cá nhân liên quan. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý về bất động sản, minh bạch thị trường, sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản - Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).