S&P 500 trượt về sát thị trường “gấu”, giá dầu biến động chóng mặt, Bitcoin hồi mốc 30.000 USD

Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu vì lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (19/5), tiến gần hơn nữa đến trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu vì lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Giá dầu thô giằng co trong biên độ rộng trước khi chốt phiên trong trạng thái tăng. Giá Bitcoin cũng đi lên, lấy lại mốc chủ chốt 30.000 USD.

Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,58%, còn 3.900,79 điểm. Trước đó, chỉ số này đã giảm 4% trong phiên ngày thứ Tư. Đến hiện tại, S&P 500 đã giảm khoảng 19% so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 1. Một tài sản giảm 20% từ đỉnh là đáp ứng định nghĩa thị trường đầu cơ giá xuống.

Chỉ số Dow Jones giảm 236,94 điểm, tương đương giảm 0,75%, còn 31.253,13 điểm. Phiên ngày thứ Tư, chỉ số này có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020 với mức giảm 1.164 điểm.

Chỉ số Nasdaq giảm 0,26%, còn 11.388,5 điểm. Hôm thứ Tư, chỉ số này giảm 4,7%.

“Điều quan trọng nhất mà nhà đầu tư rút ra là họ cần phải tiếp tục đương đầu với biến động mạnh của thị trường. Chúng tôi tin rằng biến động mạnh sẽ tiếp diễn trong quý 2, và thậm chí là cả thời gian còn lại của năm nay”, CEO Greg Bassuk của AXS Investments phát biểu.

Cả S&P 500 và Nasdaq đều đã giảm hơn 3% trong tuần này, trong khi Dow Jones mất 2,9%. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall trong tuần này là báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của hai hãng bán lẻ lớn Target và Walmart cho thấy chi phí nhiên liệu gia tăng và nhu cầu yếu đi của người tiêu dùng đã ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận của công ty trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ cao nhất nhiều thập kỷ. Sau khi giảm 24% trong phiên ngày thứ Tư, cổ phiếu Target giảm thêm 5,1% trong phiên ngày thứ Năm.

“Bán tháo mạnh mẽ ở những công ty này, cũng như các công ty hàng tiêu dùng khác trong quý này, phản ánh rằng sức ép lạm phát cuối cùng đã có ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp”, trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán Mỹ của Barclays, ông Maneesh S. Deshpande, nhận định trong một báo cáo. “Đến hiện tại, cho dù lạm phát cao, biên lợi nhuận và triển vọng lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 vẫn khá vững vàng. Nhưng điều này có vẻ sẽ không thể duy trì”.

Hãng phần mềm Cisco trở thành công ty mới nhất chứng khoán cổ phiếu lao dốc sau khi kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Phiên ngày thứ Năm, cổ phiếu công ty này giảm 13,7%.

Chứng khoán Mỹ đương đầu áp lực giảm lớn suốt từ đầu năm đến nay. Ban đầu, nhà đầu tư dịch chuyển khỏi những cổ phiếu công nghệ có định giá cao nhưng công ty hầu như chưa có lợi nhuận. Sau đó, bán tháo lan rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngân hàng và bán lẻ, khi rủi ro suy thoái khiến nhà đầu tư hoảng sợ.

Một loạt cổ phiếu trong S&P 500 lập đáy mới của 52 tuần trong phiên ngày thứ Năm. Cổ phiếu Target thấp nhất từ tháng 11/2020; Walmart xuống đáy kể từ tháng 7/2020; Bank of America và Charles Schwab thấp nhất từ tháng 1/2021; Intel chạm đáy kể từ tháng 10/2017.

“Vấn đề lúc này là chẳng có chỗ nào trên thị trường để nhà đầu tư ẩn náu. Cổ phiếu tiêu dùng bị bán mà cổ phiếu tăng trưởng cũng bị bán. Nói cách khác, vốn đang chuyển thành tiền mặt thay vì dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu ngành khác nhau”, trưởng kỹ thuật thị trường của BTIG, ông Jonathan Krinsky, nhận định.

Một số chiến lược gia ở Phố Wall gần đây đưa ra những dự báo bi quan về thị trường chứng khoán nếu việc Fed nâng lãi suất đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong một sự kiện vào đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kéo lạm phát xuống.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,7%, chốt ở 112,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,62 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt ở 112,21 USD/thùng.

Phiên này tiếp tục chứng kiến mức độ biến động dữ dội của giá dầu, với biên độ dao động lên tới gần 5 USD/thùng chỉ trong vài giờ đồng hồ. Kế hoạch mở cửa trở lại của Thượng Hải – trung tâm tài chính của Trung Quốc – sau thời gian dài phong toả chống Covid và sự giảm giá của đồng USD là hai nhân tố quan trọng đưa giá dầu tăng trong phiên này.

Thời gian gần đây, sự tăng giá của USD và mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu đã đặt ra áp lực giảm lớn lên đồng USD. Trong phiên ngày thứ Năm, đồng bạc xanh giảm 1%.

Giới đầu tư vẫn chờ xem liệu Liên minh châu Âu (EU) có thể phê chuẩn được kế hoạch cấm vận dầu Nga. Kế hoạch này vẫn đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của Hungary.

Phát biểu ngày thứ Năm, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng bất kỳ thùng dầu Nga nào bị châu Âu từ chối mua cũng sẽ được Nga chuyển sang châu Á và các thị trường khác. Cũng theo ông Novak, sản lượng khai thác dầu của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4, nhưng đã tăng 200.000-300.000 thùng/ngày trong tháng 5 này và sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới.

Hôm thứ Tư, Uỷ ban châu Âu (EC) công bố một kế hoạch trị giá 210 tỷ Euro (220 tỷ USD) để châu Âu tiến tới chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng hoá thạch từ Nga vào năm 2027, song song với việc phát triển năng lượng sạch.

Trên thị trường tiền ảo, sắc xanh đang phủ khắp. Giá Bitcoin lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam tăng hơn 4% so với cách đó 24 tiếng, đạt 30.171 USD. Tổng vốn hoá tiền ảo toàn cầu tăng 4%, đạt 1,28 nghìn tỷ USD.