Cần trả 64.000 tỷ tiền trái phiếu vào năm 2024
Tại hội thảo bàn về hệ thống tài chính, do Đại học Kinh tế TP.HCM vừa tổ chức, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho biết, NHNN đang ở thế khó trong việc yêu cầu các NHTM phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi, khi lãi suất huy động tăng.
Hiện, áp lực nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam tăng ở cả khối Chính phủ và DN. Hơn nữa, rủi ro ở thị trường chứng khoán lại rơi vào đúng năm 2022, những vụ việc vi phạm cũng rơi vào năm nay. Vị chuyên này cho hay ông đã báo cáo Thủ tướng các vấn đề liên quan đến rủi ro về hệ thống tài chính, với “bộ tứ liên thông”, gồm: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, BĐS.
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%/năm trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng 12%/năm, daẫn tới tỷ số nợ tiếp tục tăng. Khi chấm dứt các chính sách cho phép cơ cấu, giãn, hoãn nợ thì lập tức nợ xấu tiềm ẩn tăng lên.
Trái chủ yêu cầu Tập đoàn Tân Hoàng Minh hoàn tiền (ảnh: Dân trí)
Đáng chú ý, rủi ro lớn nằm ở thị trường trái phiếu DN khi tăng trưởng tương đối nóng, khoảng 40-50%/năm. Dù chỉ có 20% lượng trái phiếu DN phát hành năm 2021 là không có tài sản đảm bảo, nhưng việc sử dụng tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu là cực kỳ rủi ro hoặc tài sản đảm bảo bằng BĐS, lấy chính nó nuôi nó.
Trái phiếu đã phát hành nhưng quan trọng là nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp BĐS sẽ ra sao trong thời gian tới? Bóc tách số liệu cho thấy, nghĩa vụ trả nợ đang tăng dần. Năm 2022, nợ phải trả của các doanh nghiệp BĐS là hơn 30.000 tỷ, con số này tăng tiếp vào năm 2023. Đỉnh điểm, tới 2024, doanh nghiệp BĐS đã phát hành trái phiếu có nghĩa vụ trả nợ khoảng 64.000 tỷ đồng.
Dẫu vậy, điểm tích cực ở đây là tỷ lệ “bao nợ xấu,” tức là tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro so với nợ xấu của hệ thống ngân hàng tương đối tốt, tăng mạnh từ mức 94% năm 2019 lên mức 152%. Tức là cứ 1 đồng nợ xấu thì có 1,5 đồng sẵn sàng đưa ra ứng phó, xử lý. Tiềm lực về xử lý nợ xấu hoàn toàn trong tầm kiểm soát.
Không vì sai phạm và đình trệ thị trường
Bàn về thị trường trái phiếu, Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM - đưa ra ví dụ, sau vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì Luật Kinh doanh Bảo hiểm lại cấm các DN bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu BĐS.
Trong khi ngân hàng đang bị áp lực về chuyện cho vay BĐS, các công ty bảo hiểm muốn đầu tư nhiều vào trái phiếu nhưng giờ lại bị cấm. Doanh thu phí bảo hiểm khoảng 250.000 tỷ đồng/năm và tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Quy mô đầu tư lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm trong năm 2021 là 500.000 tỷ đồng.
Việc cần làm ở đây là tháo gỡ vướng mắc cho trái phiếu DN, chứ không phải cứ sau một sự kiện là cấm. Nó giống như việc chúng ta đang đi lùi lại để quan sát. Nếu làm luật mà cứ có sự kiện lại khóa vào thì chắc chắn chúng ta sẽ đi sau, ông Trần Nguyên Đán lưu ý.
Theo ông, vốn bị tắc thì có thể giải quyết được bằng thị trường trái phiếu DN, nhưng nhà đầu tư lại hoàn toàn thiếu thông tin về thị trường này. Các tay chơi lớn, như những công ty bảo hiểm, họ có đủ thông tin thẩm định DN giờ lại cấm luôn.
Lực lượng chức năng khám xét bên trong trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh tối 5/4 (ảnh: Phạm Hải)
Phản hồi lại ý kiến trên, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - khẳng định, dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) không cấm các công ty bảo hiểm mua trái phiếu mà chỉ hạn chế mua trái phiếu BĐS, vì với trái phiếu BĐS, Việt Nam chỉ có 2 công ty thẩm định chất lượng, xếp hạng tín nhiệm DN.
Vấn đề đặt ra ở đây là nhà nước có nên thành lập các công ty thẩm định hay không hay để các hiệp hội tự đánh giá tín nhiệm.
Ngoài ra, ông Kiên cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là khối nội chính, phải tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường, quy luật của thị trường trái phiếu, không hình sự hóa vấn đề trái phiếu để đảm bảo dòng tiền của các DN phát hành vẫn lưu thông ổn định ngoài thị trường.
Việc sử dụng cụm từ “khoản vay dưới chuẩn” để nói về một số DN phát hành trái phiếu, theo ông Kiên là không chính xác. Không có DN nào là dưới chuẩn cả, họ thiếu tiền nhưng có mục tiêu, có dự án thì phát hành để huy động vốn. Ở đây, lợi nhuận thì chia sẻ, rủi ro cùng gánh chịu.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định, thị trường tài chính và thị trường BĐS của Việt Nam là hai mặt của một vấn đề, cùng phát triển và cùng khủng hoảng.
Thị trường BĐS có đóng góp rất lớn, ngoài trực tiếp còn gián tiếp cho nền kinh tế, nếu bị ngưng trệ sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Hiện doanh nghiệp BĐS giống như đội quân đi xe đạp, phải chạy nếu dừng lại là đổ. Mà muốn DN chạy thì phải dựa vào vốn, dòng tiền, nói chính xác là dựa vào ngân hàng hay đóng góp của người mua trái phiếu. Kiểm soát tiêu cực trong phát hành trái phiếu, nhưng không để đoàn xe này đổ là việc cần làm. Thị trường trái phiếu cực kỳ quan trọng để chuyển dần việc huy động vốn từ trung gian chuyển sang huy động trực tiếp.