Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, thuốc và test nhanh 'cháy hàng'

Việt Nam trong ngày 26/2 tiếp tục ghi nhận số người dương tính với SARS-CoV-2 gần chạm mốc 80.000 ca. Nhu cầu xét nghiệm, điều trị của người dân từ đây cũng tăng mạnh.

Chấn chỉnh việc gom hàng, loạn giá thuốc điều trị Covid-19, kit test nhanh.
Đề phòng nguy cơ từ biến chủng mới.
Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.

Chỉ sau 24 giờ qua, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện thêm tổng cộng hơn 77.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Dù số người tử vong do mắc Covid-19 vẫn ở mức thấp, tình trạng số ca nhiễm liên tục tăng cũng phần nào ảnh hưởng tới đời sống cũng như kinh tế xã hội.

Y tế cơ sở quá tải, thuốc, kit test ‘cháy hàng’

Trong báo cáo mới đây của Ủy ban Pháp luật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, cơ quan này nêu thực tế do lượng người mắc Covid-19 quá nhiều khiến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, ở một số nơi (đặc biệt là địa phương có số ca mắc cao như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh), người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.

Đặc biệt, ở một số phường của Hà Nội, người bệnh phải ra trạm y tế để nhận và khai báo trên bản giấy, trạm y tế cũng không được cung cấp kit xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kit xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả.

Theo Ủy ban Pháp luật, việc này gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo khảo sát của Zing mới đây, nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội đang xảy ra tình trạng “cháy hàng” đối với một số loại thuốc hạ sốt cũng như kit test nhanh giá rẻ. Các nhân viên bán hàng cho biết nhiều mặt hàng đã bán hết từ lâu, người mua ít còn sự lựa chọn.

Thậm chí, các loại thuốc dự phòng diễn biến nặng Covid-19, hạ sốt, tăng sức đề kháng, vitamin,… được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội bởi những người không phải là dược sĩ.

Một số mặt hàng y tế liên quan phòng, chống dịch Covid-19 được bày bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook.

Trên nhóm hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam, ngay khi có bài đăng của người dân muốn tìm mua kháng sinh, hàng loạt tài khoản đã giới thiệu, rao bán Movinavir, Augmentin, Arbidol...

Nhiều tài khoản Facebook rao bán thuốc kháng sinh, phòng Covid-19, tăng sức đề kháng... đều không phải là dược sĩ hoặc người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.

Song song với tình trạng này là hiện tượng gom hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19, trong khi chất lượng không được kiểm soát.

Theo Ủy ban Pháp luật, diễn biến dịch phức tạp, nhu cầu sử dụng kit xét nghiệm nhanh của người dân dự báo tăng cao, kéo dài và việc 95% ca nhiễm nCoV điều trị tại nhà, người bệnh phải tự lo mọi chi phí là gánh nặng lớn với người dân.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như thuốc điều trị, kit xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy trong máu… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này.

Nguy cơ quá tải hệ thống y tế từ Omicron và yêu cầu về giải trình tự gene

Trong tuần qua, TP.HCM đã tầm soát ngẫu nhiên tìm biến chủng Omicron trên địa bàn bằng xét nghiệm rRT-PCR trong khoảng thời gian ngày 10-17/2. Kết quả cho thấy có tới 70/92 mẫu bệnh phẩm nhận kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%.

Tại Hà Nội, kết quả giải trình tự gene các ca bệnh mới đây cũng cho thấy 4 trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai nhiễm biến chủng Omicron.

Mặt khác, thống kê của Bộ Y tế từ Tết Nguyên đán tới nay đang cho thấy xu hướng tăng lên nhanh chóng của các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Điều này đặt ra khả năng biến chủng Omicron có thể đang chiếm ưu thế tại Việt Nam. Song song với đó, tâm lý chủ quan cũng đã xuất hiện trong một nhóm người dân.

Trả lời về việc liệu có thể coi biến chủng Omicron như một liều vaccine tự nhiên hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định việc nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng.

"Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Nhiều người nhiễm nCoV có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên", ông Phu nhấn mạnh.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), cho biết cơ sở này đang tiếp tục giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm của F0 trong cộng đồng. Các địa phương được yêu cầu gửi mẫu bệnh phẩm hàng ngày về NIHE.

Trước đó, theo yêu cầu của Cục Y tế Dự phòng, NIHE chỉ giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ những ca nhập cảnh.

Kỹ thuật viên làm việc trong phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định đây là việc phải làm nhanh để đánh giá mức độ dịch, xác định biến chủng nào của virus đang chiếm ưu thế trong cộng đồng.

“Sau khi xác định được biến chủng, chúng ta mới có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng tới công tác phòng, chống dịch, khả năng lây lan ra sao, tác động tới diễn biến nặng, nhẹ ở bệnh nhân như thế nào. Cũng từ đây, hệ thống y tế mới có giải pháp đáp ứng phù hợp”, ông Phu nói.

Tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp, dịch tại Hà Nội phức tạp

Trái ngược với tốc độ ghi nhận số người mắc Covid-19 trong cộng đồng, lượng bệnh nhân không qua khỏi trên toàn quốc từ sau Tết Nguyên đán vẫn được duy trì ở mức thấp.

Tính từ đầu tháng 2 tới nay, Việt Nam chỉ ghi nhận 5 ngày số ca mắc Covid-19 tử vong vượt trên mức 100 trường hợp. Trung bình 7 ngày qua, số người qua đời do nhiễm SARS-CoV-2 là 90 ca.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 40.050 người, chiếm tỷ lệ 1,2% tổng ca nhiễm nCoV.

Trên thực tế, theo các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 chỉ tập trung tại nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ có thai chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine.

Hà Nội, địa phương có tình hình dịch nóng nhất trong thời gian qua, tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm nCoV đứng đầu cả nước với hơn 10.000 trường hợp chỉ sau 24 giờ.

Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch công bố sáng 26/2, Hà Nội ghi nhận 283 xã, phường, thị trấn là vùng xanh; 222 địa phương vùng vàng và 74 nơi là vùng cam.

So với một tuần trước, số vùng vàng tăng vọt từ 80 lên 222 địa phương; đồng thời, 74 xã, phường chuyển cấp độ từ vùng vàng thành vùng cam. Số vùng xanh giảm đáng kể, từ 86,2% xuống còn 48,9%.

Địa phương ghi nhận nhiều nơi có dịch ở mức độ 3 là các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm, Thanh Trì...

Trong công điện ban hành ngày 24/2, lãnh đạo Hà Nội cho biết những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố tăng nhanh, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, gây tâm lý lo lắng; đã có tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng chống dịch tăng giá đột biến.

Thành phố yêu cầu ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, tuyên truyền đến người dân nắm bắt các dấu hiệu nhận biết, quy trình, phương pháp điều trị tại nhà để chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.

Các địa phương tiếp tục rà soát, tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho các trường hợp chưa được tiêm, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người không đi lại được, người yếu thế; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho người 12-17 tuổi.

Sở Y tế thành phố được giao đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố, đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm tiếp tục tăng thời gian tới.

Xếp sau Hà Nội, một số địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và miền Bắc cũng ghi nhận mức tăng ca nhiễm cao trong thời gian qua như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương,...

Bộ Y tế mới đây đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19, tổ chức tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I/2022; tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước chỉ còn 13 địa phương có mức bao phủ đủ liều cơ bản cho người trên 18 tuổi dưới 18% gồm: Cao Bằng (99.15%), Lạng Sơn (99.29%), Hà Giang (91.43%), Quảng Bình (91.76%), Trà Vinh (92.07%), Sơn La (97.82%), Hưng Yên (92.76%), Quảng Nam (92.55%), Tiền Giang (95.65%), Hải Phòng (98.44%), Thái Bình (96.58%), Bình Dương (87.89%), Thanh Hóa (81.74%).