Sở GTVT TP.HCM kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm dưới gầm cầu

Sở GTVT TP.HCM cho biết cần phải có biện pháp ngăn ngừa các sự cố và đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn công trình cầu trên địa bàn.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình cầu trên địa bàn TP.

Theo Sở GTVT TP, trong thời gian qua, đã xảy ra một số sự cố cháy dưới gầm cầu gây ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình và mất an toàn giao thông như sự cố cháy dưới gầm cầu Bình Triệu 1, quận Bình Thạnh nguyên nhân do chập điện gây đứt bó cáp dự ứng lực ngoài; sự cố cháy dưới gầm cầu Rạch Lăng, quận Bình Thạnh nguyên nhân do người dân đốt rác gây bong tróc bê tông mặt dầm.

lan-chiem-gam-cau-1675919281.jpg Sở GTVT TP.HCM kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm dưới gầm cầu (Ảnh: Internet)

Nhằm ngăn ngừa các sự cố như trên tiếp tục xảy ra, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và an toàn công trình cầu, Sở GTVT TP đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, lấn chiếm, để vật dụng; đốt, tập kết rác,... dưới gầm cầu gây cản trở giao thông, có nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến mỹ quan và chất lượng công trình cầu (như cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh; cầu Phú Xuân Quận 7; cầu Nhị Thiên Đường, Quận 8; cầu Nguyễn Văn Luông, Quận 6,...).

Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị kiểm tra lại tình hình quản lý, khai thác dưới gầm cầu toàn bộ các cầu trên địa bàn quản lý, thực hiện nghiêm các nội dung được quy định tại Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 9/10/2017 của Bộ GTVT về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đối với các gầm cầu đang tổ chức giữ xe, chứa vật tư thu hồi, xây dựng nhà tạm (như cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh; cầu Phú Hữu, TP Thủ Đức; cầu Bà Chiêm huyện Nhà Bè, các cầu trên đường Võ Văn Kiệt,...) phải rà soát kiểm tra thường xuyên, bố trí đầy đủ thiết bị xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình cầu; đồng thời, đánh giá, đề xuất phương án khai thác phạm vi dưới gầm cầu hiện nay, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định hiện hành.

Đồng thời, thường xuyên thực hiện các biện pháp về an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương trong thực hiện công tác an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại hiện trường công trình trong quá trình quản lý, vận hành các kho dưới các dạ cầu được giao quản lý và chịu trách nhiệm theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận huyện kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm, tập kết vật liệu, xả rác không đúng nơi quy định dưới gầm cầu, đồng thời tiến hành dọn dẹp vệ sinh ngay khi phát hiện nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.