Sở hữu chung cư có thời hạn tiếp tục gây tranh cãi

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn của Bộ Xây dựng đưa ra trong Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) chưa phù hợp và gây tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Ảnh hưởng như thế nào?

Sau khi đưa ra Dự thảo lần 2 Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 23/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, Bộ Xây dựng dự kiến thể chế 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 13 chương với khoảng 232 điều.

Việc sửa đổi luật nhằm giải quyết các bất cập và quy định rõ các nội dung để dễ thực hiện, đảm bảo đồng bộ với các luật liên quan tránh chồng chéo trong thực thi...

Sau giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi trong 2 tháng, dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn của Bộ Xây dựng trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần 2 gây tranh cãi (Ảnh: Như Ý).

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn của Bộ Xây dựng trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần 2 gây tranh cãi (Ảnh: Như Ý).

Góp ý tại hội thảo, đại diện đến từ các đơn vị như Tập đoàn CEO, Sunshine, Sun Group, VinaCapital đều chung quan điểm cho rằng, việc quy định sở hữu căn hộ có thời hạn chưa phù hợp với tâm lý của người mua và có thể ảnh hưởng tới thị trường.

Với quy định này, có thể người dân sẽ có mong muốn quay lại mua đất xây nhà để sở hữu lâu dài và sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà chung cư. Trong khi đó, chung cư chính là mô hình phát triển phù hợp hiện nay nhằm tiết kiệm quỹ đất. Quy định có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, khiến các doanh nghiệp e ngại.

Kiến nghị bỏ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Trong văn bản gửi Chính phủ và Bộ Xây dựng mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) kiến nghị không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới. HoREA cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết, sở dĩ ông kiến nghị không nên quy định thời hạn sở hữu chung cư với tất cả dự án mới vì cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai.

Cụ thể, Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo (thời hạn) dự án và người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Từ đó giúp các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, không gây tâm lý bất an trong xã hội.

Ông Châu giải thích, căn hộ chung cư là tài sản có giá trị rất lớn với người dân đô thị, đa số người Việt muốn để lại cho con cháu. Sâu xa hơn, điều này còn đóng vai trò thúc đẩy chính sách khuyến khích người dân lựa chọn sống trong căn hộ cao tầng, phù hợp với Luật Đất đai.

Chủ tịch HoREA nhận định, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình, có thể dẫn đến hàng loạt những bất cập, gây tâm lý bất an cho người mua căn hộ và làm xáo trộn thị trường nhà ở.