Sở Y tế Hà Nội cảnh báo về thuốc Ritalin 10mg giả mạo

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc; Phòng Y tế các huyện, thành phố; Các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về việc nghi ngờ giả mạo thuốc Ritalin 10mg nhập khẩu lưu hành trái phép.

Sở Y tế Hà Nội thông tin về thuốc Ritalin 10 mg (Methylphenidate hydrochloride), số lô: BLA 53, ngày sản xuất: 9/2020, hạn dùng: 8/2023, trên vỉ thuốc có tên và logo công ty Novartis nghi ngờ là thuốc giả. Cụ thể, theo báo cáo của Công ty TNHH Novartis Việt Nam, thuốc bị can thiệp làm giả số lô hạn dùng, số lô BLA 53 không có trong hệ thống dữ liệu của công ty.

Vì vậy để đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả phòng chữa bệnh của thuốc, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược và người sử dụng không mua bán, sử dụng thuốc nghi ngờ giả mạo Ritalin 10mg có thông tin như trên.

ritalin   
 

Phòng Y tế các huyện, thành phố thông báo cho các cơ sở bán lẻ, các cơ sở sử dụng thuốc ngoài công lập biết. Truy tìm xác định nguồn gốc xuất xứ của lô thuốc nghi ngờ giả mạo thuốc Ritalin 10mg nói trên nếu xuất hiện trên địa bàn. Tiến hành rà soát, chấn chỉnh hoạt động buôn bán thuốc qua mạng nói chung, đảm bảo hoạt động bán buôn, bán lẻ thuốc theo đúng quy định pháp luật. Các cơ sở tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.

Các phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, phân phối, sử dụng lô thuốc với thông tin nêu trên. Tiếp nhận thông tin từ cơ sở, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở (nếu có).

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội rà soát trong quá trình đi lấy mẫu, báo cáo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.

Mới đây, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế cũng vừa có công văn gửi Sở Y tế các địa phương cảnh báo về thuốc kháng sinh Tetracyclin giả với mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu Định tính và Định lượng.

thuoc

 

Công văn ghi rõ, căn cứ Công văn số 85/TTKN-KH ngày 10-6-2022 đính kèm Phiếu kiểm nghiệm số 440/2022 ngày 10-6-2022 và Biên bản lấy mẫu xác định chất lượng của Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa về sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco. Mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng (không có hoạt chất).

Căn cứ mẫu sản phẩm trên nhãn ghi Viên nén TETRACYCLIN 250mg nêu trên do Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa gửi đến Cục Quản lý Dược; Căn cứ các Công văn số 44/CV-120 đề ngày 16-6-2022; số 45/CV-120 ngày 22-6-2022 và số 50/CV-120 ngày 27-6-2022 của Công ty TNHH MTV 120 Armepharco báo cáo tình hình sản xuất, phân phối lô thuốc Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923 và một số tài liệu liên quan.

Sau khi đối chiếu, xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành:

Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén TETRACYCLIN 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:

Về đối chiếu thông tin trên nhãn, thuốc thật có dòng chỉ định: Giữa dấu “:” và chữ “xem” không có khoảng cách; Dòng cách dùng: Giữa dấu “:” và chữ “Uống” không có khoảng cách; Dòng Nhiễm trùng do Streptococcus: Chữ “Streptococcus” in nghiêng; Dòng Tiêu chuẩn: Giữa dấu “:” và chữ “DĐVN IV” không có khoảng cách.

Thuốc giả có dòng chỉ định: Giữa dấu “:” và chữ “xem” có khoảng cách; Dòng cách dùng: Giữa dấu “:” và chữ “Uống” có khoảng cách; Dòng Nhiễm trùng do Streptococcus: Chữ “Streptococcus” không in nghiêng. Dòng Tiêu chuẩn: Giữa dấu “:” và chữ “DĐVN IV” có khoảng cách.

Về viên thuốc, thuốc thật: nét khắc chữ "T X" sắc nét; viên thuốc màu vàng xanh; thuốc giả: nét khắc chữ "T X" không sắc nét, viên thuốc màu vàng.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm viên nén TETRACYCLIN 250mg giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm viên nén TETRACYCLIN 250mg giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc viên nén TETRACYCLIN 250mg giả. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và nguồn gốc lô thuốc giả về Cục Quản lý Dược.