Sự sụp đổ của đế chế tiền ảo FTX có thể rung chuyển cả ngành công nghiệp thể thao

Sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã gây chấn động khắp cộng đồng đầu tư và khởi nghiệp. Nhưng ít ai ngờ ảnh hưởng của việc này có thể lan sang cả lĩnh vực thể thao…

Theo CNN Business, giống như các công ty tiền ảo khác, FTX đã đầu tư rất nhiều vào các khoản tài trợ thể thao, bao gồm quan hệ đối tác và quyền đặt tên đội trong các giải bóng rổ chuyên nghiệp, bóng chày và đua xe Công thức 1. Giờ đây, công ty đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn hơn bao giờ hết. Vào thứ Ba (8/11), FTX cho biết công ty sẽ được mua lại bởi đối thủ Binance vì đã trải qua một cuộc “khủng hoảng đột ngột”, nhưng thỏa thuận đã bị Binance hủy bỏ vào thứ Tư (9/11) sau khi tiến hành đánh giá tài chính của FTX.

Tương lai mù mịt của FTX đặt ra câu hỏi lớn về những gì xảy ra tiếp theo với nhiều thương vụ thể thao mà hãng đã tiến hành trước đó.

Vào năm 2021, FTX đã ký một hợp đồng 19 năm trị giá 135 triệu USD để đổi tên đội bóng rổ nhà nghề Mỹ American Airlines Arena thành FTX Arena. Major League Baseball cũng đã đạt được một thỏa thuận kéo dài 5 năm tính từ năm 2021 để FTX trở thành sàn giao dịch tiền điện tử chính thức, quan hệ đối tác còn bao gồm việc đưa logo FTX lên đồng phục của trọng tài. FTX cũng là đối tác trao đổi tiền điện tử chính thức của đội đua Công thức 1 Mercedes-AMG Petronas.

FTX cũng làm việc trực tiếp với một số vận động viên được coi là “tượng đài” trong các môn thể thao. Siêu sao Shohei Ohtani của Los Angeles Angels đã trở thành đại sứ toàn cầu của sàn giao dịch và được đổi lấy cổ phần trong công ty; ngôi sao NBA Steph Curry và quỹ của anh ấy, Eat.Learn.Play., đã ký hợp tác với FTX vào năm 2021; và huyền thoại bóng đá Tom Brady cũng sở hữu cổ phần và từng là đại sứ cho sàn giao dịch này.

FTX không phải là công ty tiền điện tử duy nhất tham gia vào thế giới thể thao. Các thương hiệu tiền ảo đã chi hơn 130 triệu USD cho các khoản tài trợ NBA chỉ riêng trong mùa giải trước, tăng từ mức dưới 2 triệu USD vào mùa giải 2019 - 2020. Theo IEG, chỉ có 5 công ty tiền điện tử, bao gồm 3 ông lớn Crypto.com, Coinbase và FTX, chịu trách nhiệm lên đến 92% chi tiêu của ngành.

Vào năm 2021, nền tảng giao dịch Coinbase đã ký một thỏa thuận kéo dài nhiều năm với NBA để đóng vai trò là đối tác tiền điện tử độc quyền của giải đấu, được cho là trị giá 192 triệu USD trong 4 năm. Crypto.com, một sàn giao dịch tiền điện tử khác, đã mua quyền đặt tên cho sân vận động của Los Angeles Lakers vào tháng 11/2021, thỏa thuận được cho là trị giá 700 triệu USD. Công ty cũng đã tham gia một thỏa thuận kéo dài nhiều năm để trở thành đối tác và nhà cung cấp áo đấu chính thức cho Philadelphia 76ers.

Sau đó, thị trường thay đổi. Coinbase, Crypto.com và các dịch vụ giao dịch tiền ảo khác tuyên bố sa thải hàng loạt do lạm phát gia tăng, lo ngại về suy thoái kinh tế và sự hỗn loạn thị trường đã dẫn đến giá trị của tiền điện tử sụt giảm mạnh.

Binance, đáng chú ý, đã ngồi ngoài cơn sốt tài trợ thể thao. Trong một thông báo tuyển dụng vào đầu năm nay, Giám đốc điều hành Binance Zhao Changpeng cho biết: "Không dễ để nói không với quảng cáo Super Bowl, quyền đặt tên sân vận động, các giao dịch tài trợ lớn vài tháng trước, nhưng chúng tôi đã vượt qua".