Công ty mẹ HDG đuối sức
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng công ty mẹ Tập đoàn Hà Đô, doanh thu thuần công ty mẹ quý II/2022 đạt 490 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 673 tỷ đồng, tăng 105% so với 6 tháng đầu năm trước.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý II/2022 đạt 266 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 261 tỷ đồng quý II năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm lại sụt giảm mạnh, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ đạt 318 tỷ đồng, trong khi 6 tháng 2021 công ty này đạt 447 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Một trong những lý do khiến công ty mẹ Hà Đô giảm mạnh lợi nhuận là do sự sụt giảm mạnh doanh thu hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính quý II/2022 của doanh nghiệp chỉ đạt 39 tỷ đồng, khá nhỏ bé so với 406 tỷ đồng nguồn thu này trong quý II năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động tài chính chỉ là 43 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước là 609 tỷ đồng.
Trong bối cảnh sụt giảm mạnh về lợi nhuận của công ty mẹ, các công ty con lại trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp này giữ được tăng trưởng chung cho cả tập đoàn trong nửa đầu năm 2022. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hà Đô vẫn tăng cho dù lợi nhuận công ty mẹ bị sụt giảm như đề cập ở trên.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất của Tập đoàn Hà Đô là 1.008 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với 467 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần lũy kế nửa đầu năm 2022 đạt 1.692 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn trong quý II/2022 là 419 tỷ đồng, tăng 481% so với quý II/2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất nửa đầu năm 2022 đạt 714 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất của công ty này tăng trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu nhờ tăng doanh thu của mảng kinh doanh lĩnh vực năng lượng.
Hà Đô đang có 14 công ty con và 1 công ty liên kết
Hiện nay, Hà Đô có 14 công ty con và 1 công ty liên kết, trong đó, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gồm Công ty cổ phần Năng lượng Agrita, Công ty cổ phần Thủy Điện Sông Tranh 4, Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam, Công ty cổ phần Năn lượng Hà Đô, Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash.
Rủi ro từ cơ cấu tài chính công ty mẹ
Bức tranh tài chính chung của Tập đoàn Hà Đô cho thấy không có biểu hiện gì bất ổn. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức dương 293 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, các khoản phải thu ngắn hạn cũng có xu hướng giảm trong giai đoạn này… Hàng tồn kho tăng so với đầu năm 2022, nhưng có thể lý giải đó là mức tăng phù hợp với giai đoạn doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng. Nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô thời điểm giữa năm 2022 là 9.677 tỷ đồng, ở mức khoảng 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu, đây là mức hơi cao một chút, nhưng cũng không quá cao so với nhiều doanh nghiệp khác. Trong thời điểm nửa đầu năm 2022, Tập đoàn Hà Đô cũng đã có xu hướng giảm quy mô nợ từ 10.502 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 9.679 tỷ đồng vào thời điểm giữa năm.
Tuy nhiên, “vấn đề” của Hà Đô cũng vẫn nằm ở công ty mẹ, và các số liệu tài chính của công ty mẹ Hà Đô đang bộc lộ một số yếu tố rủi ro đáng cảnh báo.
Dòng tiền kinh doanh công ty mẹ âm trong nửa đầu năm
Công ty mẹ Tập đoàn Hà Đô không chỉ đạt kết quả kinh doanh với lợi nhuận sụt giảm và cơ cấu nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn mà còn ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới hơn 190 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Một trong những yếu tố đáng chú ý trong cơ cấu tài chính của công ty mẹ Hà Đô là nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Cụ thể, tài sản ngắn hạn của công ty mẹ Hà Đô tại thời điểm 30/6/2022 đạt 2.074 tỷ đồng, tăng so với con số 1.838 tỷ đồng thời điểm đầu năm; trong khi đó, nợ ngắn hạn thời điểm giữa năm tuy đã giảm so với đầu năm, nhưng vẫn ở mức 2.884 tỷ đồng, lớn hơn đến 40% so với tài sản ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là một trong những yếu tố rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp. Đặc biệt, tài sản ngắn hạn của công ty mẹ Hà Đô cũng nằm chủ yếu ở nhóm tài sản có thanh khoản thấp nhất trong số các loại tài sản ngắn hạn, cụ thể đó là hàng tồn kho với giá trị riêng tài sản này lên tới 1.002 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị tài sản ngắn hạn. Tiếp đó, các khoản phải thu ngắn hạn nhóm tài sản có giá trị lớn thứ hai là các khoản phải thu ngắn hạn với 667 tỷ đồng. Các loại tài sản ngắn hạn có thanh khoản cao chiếm tỷ trọng khá nhỏ, cụ thể các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ là 305 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có hơn 88 tỷ đồng.