Cả ông Lê Viết Hải (chủ tịch HĐQT trước ngày 1-1) lẫn ông Nguyễn Công Phú (thành viên độc lập HĐQT trước ngày 1-1) đều cho rằng mình là chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Ông Lê Viết Hải
Chủ tịch "quay xe" thôi từ nhiệm
Trả lời Tuổi Trẻ sau khi có công bố thông tin từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ngày 12-12-2022, ông Lê Viết Hải cho biết mục đích là để đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải - PV) đảm nhận chức vụ tổng giám đốc theo quy định của Luật doanh nghiệp vào kỳ đại hội đồng cổ đông năm nay.
Đồng thời, 8/8 thành viên HĐQT cũng đồng thuận thông qua nghị quyết, bổ nhiệm TS Nguyễn Công Phú giữ chức vụ chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ ngày 1-1 và ông Hải sẽ giữ vai trò chủ tịch hội đồng sáng lập sau từ nhiệm.
Ông Hải cho biết quy chế của hội đồng sáng lập là sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện và thông qua các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc đồng thuận, ví dụ như sửa điều lệ, các hợp đồng trị giá trên 100 tỉ đồng, bổ nhiệm hoặc thay đổi chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn...
Tuy nhiên, đến ngày các nghị quyết này có hiệu lực, Hòa Bình lại bất ngờ công bố ông Hải vẫn giữ chức chủ tịch HĐQT, hoãn bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú. Nghị quyết về chuyện này ngày 31-12-2022 đã được gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Ông Nguyễn Công Phú: "Tôi rất bất ngờ"
Chiều 2-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Công Phú cho hay đang ở Pháp và "cảm thấy rất bất ngờ", và việc ông Hải vẫn làm chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là "không đúng, không phù hợp".
Ông Nguyễn Công Phú
Ông Phú cho biết bức tranh tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành rất ảm đạm, nên vừa được bầu làm chủ tịch, ông đã sang Pháp để làm việc với đối tác, quỹ đầu tư để hỗ trợ tập đoàn.
"Tôi bắt đầu làm việc rồi, có những thông tin rất tốt", ông Phú nói và cho rằng việc tiến hành các cuộc họp HĐQT ngày 31-12 ông đã tuyên bố trực tiếp không tham gia.
Theo ông Phú, việc ông được bầu lên làm chủ tịch từ 1-1 có 8/8 thành viên HĐQT đồng thuận và đã ban hành nghị quyết. Còn với nghị quyết hoãn việc ông làm chủ tịch, ông Phú cho rằng "không đúng quy định" vì chỉ có 4/8 thành viên dự họp.
Theo ông Phú, ông và các thành viên HĐQT đã có đơn trình báo với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 2-1, ông Lê Viết Hải lại cho rằng cuộc họp HĐQT ngày 31-12 được thực hiện theo đúng quy định về hình thức họp theo luật và điều lệ công ty, các thành viên có thể dự họp trực tiếp hoặc trực tuyến.
Ông đã áp dụng hình thức họp online qua nhóm Viber của HĐQT, các thành viên có quyền chia sẻ ý kiến online, ngoài ra có thể phát biểu qua Zoom. Với cá nhân ông Phú, ông Hải cho rằng thông qua nhóm Viber HĐQT, ông Phú đã nhắn tin phản đối, tức đã tham gia họp và nội dung ông Phú phản đối được ghi nhận trong biên bản.
Dự họp HĐQT là nghĩa vụ bắt buộc, thành viên HĐQT chỉ có quyền ủy quyền nhưng không được phép vắng mặt. Theo ông Hải, đến khi biểu quyết có ba thành viên đồng thuận, một thành viên bỏ phiếu trắng và một người phản đối (ông Phú).
Bức tranh tài chính của Hòa Bình
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) nổi bật với tốc độ tăng trưởng "thần tốc", cứ 5 năm lại tăng gấp 5 lần doanh thu, duy trì trong suốt 3 thập niên.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 thị trường bất động sản gặp khó khăn do "siết" cấp phép dự án mới, cộng thêm 2 năm đại dịch COVID-19 "giáng đòn", khiến Hòa Bình cũng "bị thương", 3 quý đầu năm 2022 có hơn 10.900 tỉ đồng doanh thu thuần, nhưng lãi ròng chỉ 61 tỉ đồng.
Từ vỏn vẹn 70,5 tỉ đồng (năm 2004), khối tài sản của Hòa Bình đã tăng xấp xỉ 265 lần lên hơn 18.680 tỉ đồng (đến cuối quý 3-2022). Dù vậy doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả tới gần 15.000 tỉ đồng (+19% so với đầu năm), chiếm 80% tổng tài sản và gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.
Hòa Bình có ba cổ đông lớn gồm: ông Lê Viết Hải đang sở hữu 17,86% vốn, Hyundai Elevator giữ 10,83%, quỹ đầu tư Korea Investment Management nắm 5,11% vốn.
Ông Nguyễn Công Phú (quốc tịch Pháp) mới gắn bó với Hòa Bình từ tháng 6-2021.