Vui của các cụ Ông, cụ Bà là vui cùng con cháu, vui thấy cháu trưởng thành, thấy con ăn nên làm ra, cả nhà mạnh khỏe. Cụ Bà được đi mua sắm Tết, tìm mua được cành đào vừa ý, vui suốt thừ lúc cầm về cho tới khi hết Tết, ai đến cũng muốn khoe. Cụ Ông mua được hoặc được tặng một cân chè ngon, muối được lọ hành như ý, nấu được nồi thịt đông ngon,… cũng thấy lâng lâng, chờ thời điểm thưởng thức cùng gia đình, người thân và bè bạn. Các Cụ còn vui vì thấy đất nước không ngừng phát triển, thay da đổi thịt từng ngày và Tết đến là thời gian suy ngẫm và thật sự thấy Vui không chỉ Tết này mà cả những Tết sau, sau nữa.
Ngững người còn đi làm trong các cơ quan, công sở, các doanh nghiệp thì mừng, vui vì năm nay được thưởng lớn, có tiền để đưa vợ con đi du lịch những ngày Tết hoặc về quê đón Xuân cùng đại gia đình. Đặc biệt, các Quý Cô được dịp mua sắm tưng bừng, có những thứ đã được nhắm sẵn, Tết là dịp mua về cùng nhóm bạn thân bình luận, ngắm vuốt còn Quý Ông thì Tết là dịp được uống rượu bia vui vẻ với bạn bè mà không bị người thân lèo xèo như những ngày thường.
Có lẽ vui nhất là học sinh, sinh viên vì Tết được nghỉ học, được đi chơi, vui vẻ cùng bạn bè hoặc được bố mẹ cho đi du lịch, thăm thú những nơi danh thắng. Tết còn được nhận “lì xì”, có tiền mua những thứ mình thích, được tụ tập bạn bè ‘buôn chuyện” rôm rả.
Tết là dịp mà mọi người, mọi nhà chuẩn bị để đón Tết, các cơ quan đoàn thể cũng tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân cho bà con mọi lứa tuổi. Thành phố được trang hoàng rực rỡ, nhà nhà treo cờ kết hoa, chợ Tết tấp nập và nhiều điểm vui chơi được tổ chức rất náo nhiệt, cuốn hút.
Vui Tết
Tết là dịp vui, ai cũng công nhận nhưng vui Tết thì mỗi người khác nhau và mỗi Tết cũng khác nhau. Năm nay đã ngoài bảy mươi xuân, đã trải qua nhiều cái Tết ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh nên tôi cảm nhận được cái vui của những ngày Tết khá đa dạng, xin kể để góp vui cùng mọi người.
Hồi nhỏ, 10-12 tuổi gì đó (cuối những năm 1950, đầu những năm 1960) cánh trẻ chúng tôi có những cái vui Tết rất đặc sắc. Tôi có chú em ruột kém vài tuổi, chú ấy đánh đáo rất giỏi mà Tết chỗ tôi có những đám hội đánh đáo rất vui, quy tụ những hảo thủ tranh tài, đánh ăn tiền hẳn hoi. Nhiều Tết tôi tháp tùng chú ấy sang các xã khác tham gia đánh đáo.
Tôi còn nhớ hai loại đánh đáo chính lúc đó là đáo “lỗ”, nghĩa là đứng xa tung một nắm tiền đồng (tiền trinh ngày xưa) xuống một cái lỗ, những đồng tiền rơi xuống lỗ được ăn, còn với những đồng tiền khác người chơi phải chọi “trúng” đồng tiền được bạn chơi chọn mà không đụng các đồng tiền khác mới được ăn cả ván. Kỹ thuật này khá khó vì bạn chơi thường chọn những đồng tiền “khó” để người chơi chọi khó trúng đã đành mà nếu chọi chạm các đồng tiền khác thì phải “đền” ốm. Loại đánh đáo thứ hai được gọi “Tí” (không rõ tại sao gọi như vậy), người chơi tung nắm tiền quanh một đường kẻ sẵn, nếu có những đồng tiền đè lên nhau thì được gọi là “tiếu đôi”, “tiếu ba” và người chơi phải dùng đồng “cái” chọi để các đồng tiền “tiếu” này rời ra nhưng không được chạm vào các đồng tiền khác mới được ăn.
Khi không có “tiếu” nào thì bạn chơi chỉ một đồng tiền, nếu nó dưới vạch thì phải đánh nó vượt vạch mới được ăn, còn đồng tiền đã trên vạch thì phải chọi trúng mới được ăn (tất nhiên là không chạm các đồng tiền khác). Chú em tôi đã có những ván đáo được các bạn phục lăn, chú dùng kỹ thuật “điêu luyện” đánh bật hoặc chọi trúng những đồng tiền bạn chơi chọn giữa vòng vây của nhiều đồng tiền khác và tôi chỉ còn việc “thu tiền”. Chú em tôi sau này nhập ngũ tham gia đánh Mỹ, hy sinh ở chiến trường K nhưng rất may đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang.
Một cái Tết rất vui khác tôi được hưởng là Tết Giáp Dần, năm 1994. Lúc đó tôi là giảng viên đại học được cử làm trưởng một nhóm khảo sát vi khí hậu khu vực Tây Thanh Hóa. Nhóm tôi đóng quân tại xã (hoặc thôn) Xuân Khao (tôi nhớ dân địa phương gọi là Chiềng Khao), huyện Thường Xuân, nơi ở của người Thái đen. Đặc điểm của khảo sát vi khí hậu là đúng các giờ (1, 7, 13, 19) phải ra đo nhiệt độ, độ ẩm, gió,… tại điểm đo định sẵn. Trong nhóm của tôi có 2 sinh viên nữ, một người quê ở Cao Bằng, một người ở Hà Nội.
Ban ngày thì cử 2 người đi đo còn ban đêm, mỗi điểm phải có 3 người. Năm ấy nhóm tôi phải ăn Tết tại chỗ để làm nhiệm vụ. Là giảng viên trẻ nên chưa có kinh nghiệm nhưng cũng may, vốn từ nông thôn ra đi nên tôi đã sắm khá đầy đủ thức ăn dự trữ (cá khô, tôm khô, đặc biệt là các loại gia vị) nhưng khó khăn đến không ngờ được là thiếu rau xanh. Ở đây không có chợ, người Thái đen quen vào rừng hái măng, rau rừng về ăn nên chúng tôi không kiếm đâu ra rau xanh, phải kiếm rau rừng nhưng cũng không ăn được lâu.
Tôi phải đi khá xa mới xin được một nắm rau cải giống đem về động viên sinh viên trồng ở một mảnh vườn gần nhà. May thay, rau lên rất tốt (vì được chăm chút kỹ) và chỉ thời gian ngắn chúng tôi dã có thể tỉa lá ăn dần, giải quyết được nạn thiếu rau. Tôi rất lo, không biết Tết đến sẽ ra sao khi trong nhóm có hai sinh viên nữ mới lần đầu ăn Tết xa nhà. Về lương thưc, thực phẩm chúng tôi được xã mổ lợn bán cho khá nhiều thịt nhưng cá thì không có. Tôi hỏi bác chủ nhà, được bác ấy chỉ dẫn, tôi đã cùng các sinh viên nam đi khá xa mới kiếm được khoảng 2 kg cá, đem về nướng lên ăn Tết.
Tết đến, chúng tôi được cán bộ xã, bà con xung quanh đến chúc Tết vui lắm nên cũng đỡ buồn. Nhóm lại có một đài bán dẫn (RIDO thì phải) khá tốt nên suốt các ngày Tết đều mở để bà con cùng nghe, có lẽ vậy nên hai sinh viên nữ cũng đỡ nhớ nhà.
Một cái Tết đáng nhớ khác là Tết Tân Mùi 1991, tôi sang học và phải Vui Tết ở Dresden, CHLB Đức. Lúc ấy ở đây có nhiều người Việt Nam nhưng không có tổ chức kiểu như “đồng hương” vì người Việt ở đây phần lớn là cố tình ở lại Đức (sau đợt từ Việt Nam sang lao động) và lúc ấy còn có cả người Việt vượt biên (còn gọi là thuyền nhân) nên chỉ có các nhóm nhỏ ăn Tết với nhau. Tôi ở cùng chung cư với đôi vợ chồng người Việt, cạnh phòng tôi ở có phòng sinh hoạt chung của lớp học nên có TV màu cỡ lớn, ngày Tết tôi thường rủ hai người lên xem TV (tất nhiên là phải xin phép). Nỗi buồn xa nhà, lại bị ám ảnh bới cuộc sống người Việt xa quê, xa đất nước nên trong tôi đã dứt bỏ được ý định ở lại nước ngoài làm việc. Đây là cái Tết “ít Vui” nhất trong đời tôi.
Một vài kỷ niệm về Vui Tết chia sẻ cùng mọi người cũng giúp tôi trân trọng những cái Tết những năm qua. Mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn luận thêm về Tết, tổ chức Tết, nghỉ Tết, ăn Tết, vui Tết,… nhưng theo tôi hãy Vui với những cái Tết sẽ đến, nhất là Tết Quý Mão đang cận kề.
Tết đến xin chúc mọi người có Tết Vui và Vui Tết hết cỡ. Chúc Mừng Năm Mới.