Bên trong ống Calcium Corbiere có "vật thể lạ"
Phản ánh đến Tòa soạn, chị Võ Thị Thu Hà (SN1985), ngụ tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 17/10/2020 chị mua một hộp Calcium Corbiere loại hộp 3 vỉ (mỗi vỉ 10 ống) với dung tích 10ml/ống để bổ sung Calcium cho thai nhi tại nhà thuốc tây số 58, địa chỉ 24, đường 16, KP3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức).
Cận cảnh "vật lạ" xuất hiện trong ống Calcium Corbiere do Sanofi Việt Nam sản xuất
Theo đó, hộp Cancium này có số lô sản xuất 19633, ngày sản xuất 22/10/2019, hạn dùng 21/10/2021 với giá 150.000 đồng. Sản phẩm do công ty Cổ phần Dược phẩm Sanofi – Synthilabo Việt Nam (Công ty Sanofi Việt Nam) sản xuất. Trong thời điểm mua sản phẩm nói trên, chị Hà đang mang thai tháng thứ 7 (hiện tại chị đã sinh con).
Sau khi dùng hết ống thứ 6, đến ống thứ 7/10 của 1 trong 3 vỉ của hộp Calcium Corbiere đã mua, chị Hà phát hiện 1 ống có chứa “vật lạ”. Theo quan sát bằng mắt thường, “vật lạ” bên trong ống thuốc có màu trắng như cục bông. Điều này làm cho chị Hà và gia đình rất hoang mang, lo lắng vì không biết “vật lạ” xuất hiện trong ống cancium nói trên có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của chị và thai nhi hay không?
“Lúc đó tôi lo lắng lắm, vì phụ nữ mang thai không phải thứ gì cũng có thể uống vào người được, nhất là đối với thuốc càng phải thận trọng hơn. Vì vậy, tôi đã liên hệ nhà thuốc tây số 58, thì được họ xác nhận nhập Calcium Corbiere tại chợ thuốc sỉ ở quận 10 (TP Hồ Chí Minh). Sau đó, phía chợ thuốc cũng phản hồi lại rằng Calcium Corbiere do họ phân phối đều là hàng chính hãng nhập từ công ty, không phải hàng gian hàng giả”, chị Hà kể lại.
Tạm yên tâm về nguồn gốc sản phẩm, chị Hà gọi điện theo số điện thoại của nhà sản xuất (được ghi trên vỏ hộp) thì được nhân viên Công ty Sanofi Việt Nam liên lạc lại, đồng thời thể hiện mong muốn thu hồi sản phẩm có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, không đồng tình với hướng xử lý của Sanofi Việt Nam, chị Hà quyết định không bàn giao mẫu.
Theo thông tin ghi trên vỏ hộp, hộp Cancium Corbiere có số lô sản xuất 19633, ngày sản xuất 22/10/2019, và hạn sử dụng vẫn còn đến ngày 21/10/2021
“Sanofi muốn thu hồi mẫu, nhưng không chịu làm Biên bản cam kết nhận mẫu. Thực chất, đây chỉ là vấn đề thủ tục, nhưng tôi thấy công ty không sòng phẳng với người tiêu dùng. Vì thế, không đủ tin tưởng để tôi giao mẫu cho công ty xét nghiệm”, chị Hà nói.
Cũng theo chị Hà, Sanofi Việt Nam muốn lấy mẫu nhưng không muốn có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh mẫu đó có tồn tại. Thậm chí, phía công ty còn lấp liếm khi yêu cầu chị Hà cùng nhân sự của Sanofi mang mẫu xuống nhà máy của công ty để làm xét nghiệm, và sẽ trả kết quả trực tiếp ngay sau đó. “Một tờ giấy Biên bản nhận mẫu mà Sanofi không đủ can đảm để làm, thì dựa vào đâu để tin tưởng kết quả xét nghiệm từ nhà máy của họ”, chị Hà nói thêm.
Hiện tại, chị Hà may mắn đã “mẹ tròn con vuông”. Tuy nhiên, chị chia sẻ rất mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ “vật lạ” trong ống Calcium Corbiere là xuất phát từ nguyên nhân nào? Để từ đó có câu trả lời chính xác đến chị, cũng như hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đã, đang và sẽ sử dụng Calcium Corbiere do Công ty Sanofi Việt Nam sản xuất.
Sanofi Việt Nam xác nhận có vụ việc
Liên quan đến những phản của chị Hà, sáng ngày 05/03/2021, tại trụ sở Công ty Sanofi Việt Nam (số 10 Hàm Nghi, quận 1, TP Hồ Chí Minh), PV báo Kinh tế và Đô thị đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện Sanofi Việt Nam gồm ông Nguyễn Đoàn Duy Phước – Quản lý, Bộ phận Truyền thông Sanofi Việt Nam, và Dược sĩ Hà Thu Hợp – Trưởng Bộ phận Quản lý Chất lượng Sanofi Việt Nam.
Bắt đầu buổi làm việc, ông Phước xác nhận với PV, vụ việc của chị Hà là có thật. Cụ thể, ông Phước khẳng định, thời điểm tháng 10/2020, Sanofi Việt Nam đã nhận được phản ánh của chị Hà về ống Calcium Corbiere có chứa “vật lạ”.
Phiếu kiểm nghiệm mẫu lưu được Công ty Sanofi Việt Nam thực hiện từ ngày 03/11/2020
Riêng quy trình xử lý vụ việc, bà Hợp nhấn mạnh, theo đúng quy định của pháp luật Sanofi đã tiến hành kiểm tra mẫu lưu. Đồng thời, báo cáo lên bộ phận cảnh giác dược của Việt Nam, và cả cảnh giác dược của tập đoàn.
Chia sẻ lý do vì sao chị Hà liên hệ công ty, nhưng không bàn giao mẫu thì bà Hợp phản hồi bằng nguyên văn câu nói của chị Hà được Sanofi ghi âm lại: “Chị không có thời gian mà ra xem tên thuốc và địa chỉ đâu em. Chị còn phải đi kiểm tra thuốc bên em có vấn đề gì không, có ảnh hưởng đến em bé hay không, chị phải đưa lọ thuốc có vấn đề cho Bộ Y tế xem như thế nào”.
Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi, có hay không có việc Sanofi Việt Nam từ chối làm Biên bản bàn giao mẫu với chị Hà, thì ông Duy không trả lời thẳng vào vấn đề là có hay không có. Theo đó, ông Duy chỉ nhắc lại cuộc gặp vào tháng 11/2020, giữa Sanofi Việt Nam và ông Tạ Quốc Liễu là Luật sư được chị Hà uỷ quyền (lúc này chị Hà sắp sinh nên nhờ luật sư đại diện thay mặt).
“Anh Liễu có mang sản phẩm đến, và chỉ cho bên công ty nhìn chứ không bàn giao. Theo kết luận tại Biên bản cuộc họp ngày 17/11/2020, Sanofi Việt Nam sẽ liên hệ với nhà máy để xin phép cho đại diện 3 bên đem ống sản phẩm khiếu nại đến phòng thí nghiệm của Sanofi Việt Nam quan sát ống sản phẩm dưới kính hiển vi để xem sản phẩm có thực sự bị vỡ hay không. Tuy nhiên, đến ngày đi xuống nhà máy thì chị Hà không đồng ý, chị nói sẽ gửi cho bên thứ 3 xét nghiệm. Và từ đó đến nay công ty không nhận được bất cứ thông tin nào từ phía chị Hà”, ông Duy nói.
Như vậy, đến nay, sau gần nữa năm tính từ thời điểm chị Hà phát hiện có vật lạ trong ống Calcium Corbiere do Công ty Sanofi Việt Nam sản xuất sự việc vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng, để biết chính xác “vật lạ” đó là gì? “vật lạ” xuất hiện do nguyên nhân nào? Có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng trong trường hợp được sử dụng hay không?...