Thanh khoản đi sau trong nhóm ngân hàng
Bản tin ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) về dự báo thay đổi danh mục VNDiamond Index kỳ quý 4/2021, bộ phận nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, EIB của Eximbank là 1 trong 2 cổ phiếu có thể bị giới hạn tỷ trọng do có thanh khoản thấp.
So với các mã cùng ngành như MBB, SHB, tổng giá trị giao dịch trong tuần của EIB thấp hơn hẳn
Theo đó, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ tiến hành đánh giá định kỳ bộ chỉ số HOSE-Index vào quý 4/2021, trong đó thành phần của chỉ số VNDiamond sẽ được xem xét lại và công bố vào ngày 18/10/2021. Ngày có hiệu lực của rổ chỉ số mới là 1/11/2021. Đáng chú ý, chỉ số VNDiamond sẽ thực hiện tái cơ cấu lớn trong kỳ này với việc đưa vào áp dụng bộ quy tắc sửa đổi phiên bản 2.0. Các chỉ số còn lại bao gồm VN30 và VNFIN Lead sẽ chỉ cập nhật số liệu và tính toán lại tỷ trọng danh mục.
Nhìn chung, bộ quy tắc sửa đổi theo hướng siết chặt các điều kiện về thời gian niêm yết cổ phiếu, giá trị vốn hóa và thanh khoản. Đồng thời, phương pháp tính chỉ số mới cũng sẽ giới hạn tỷ trọng của các cổ phiếu có thanh khoản và FOL (tỷ lệ nắm giữ của NĐTNN/ tỷ lệ giới hạn được phép nắm giữ của NĐTNN) thấp.
Với những thay đổi về phương pháp tính chỉ số và dựa trên số liệu ngày 22/9, bộ phận phân tích Chứng khoán SSI dự báo, EIB, VIB là các cổ phiếu có thể bị giới hạn tỷ trọng do có thanh khoản thấp.
Đơn cử, với EIB, nhìn vào dữ liệu thị trường, có thể thấy, xét về thanh khoản, trong tuần giao dịch từ 20-24/9, EIB là cổ phiếu giảm giá nhiều nhất, lên tới 7,5%, thanh khoản thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung cổ phiếu nhóm ngân hàng. Theo đó, thanh khoản cao nhất mà EIB có được là hơn 5,1 triệu đơn vị, còn lại chỉ loanh quanh từ 600.000-800.000 đơn vị. Tổng giá trị giao dịch trong tuần này là hơn 8 triệu đơn vị. Trong khi nếu so sánh với các mã cổ phiếu cùng ngành như MBB thì chỉ trong phiên ngày 24/9 đã đạt 29 triệu đơn vị, SHB đạt 20 triệu đơn vị, MSB đạt 14 triệu đơn vị…
Diễn biến cổ phiếu EIB từ tháng 5/2021 đến cuối tuần qua
Nhiều năm qua, Eximbank được nhắc đến nhiều bởi những câu chuyện “lùm xùm” liên quan đến công tác nhân sự và xung đột giữa các nhóm cổ đông. Những tranh cãi nội bộ đã khiến ĐHĐCĐ năm 2020 và 2021 của ngân hàng này hoặc là không thể tiến hành hoặc là bất thành vì không đủ điều kiện. Ngày 8/9/2021, sau 2 năm bỏ trống, HĐQT Eximbank đã bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng Giám đốc của ngân hàng sau khi đã được phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đánh giá của giới phân tích, việc bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc với Eximbank có ý nghĩa rất quan trọng khi đã bỏ trống một thời gian dài.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Eximbank dự định tổ chức ĐHĐCĐ bất thường do có kiến nghị của nhóm cổ đông gồm Công ty Cổ phần Rồng Ngọc, Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ Helios, Công ty Cổ phần Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân. Nhóm cổ đông nắm giữ 10,36% vốn cổ phần này yêu cầu HĐQT Eximbank triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường với lý do và mục đích xem xét, quyết định miễn nhiệm các thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2015-2020). Để ổn định tình hình hoạt động của Eximbank, HĐQT Eximbank mong các cổ đông đồng thuận, thống nhất và có tiếng nói chung để có thể tổ chức thành công đại hội và bầu được HĐQT cho nhiệm kỳ mới trong thời gian sớm. Tuy nhiên, đáng tiếc là ĐHĐCĐ này vẫn tiếp tục bị hoãn lại.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng 2021 đã soát xét của Eximbank cho thấy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 201 là hơn 501,5 triệu đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các ngân hàng khác lãi lớn từ kinh doanh dịch vụ cũng như đầu tư chứng khoán thì ở Eximbank các mảng này đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Cụ thể, chứng khoán đầu tư của Eximbank 6 tháng giảm lãi tới 46% chỉ đạt 22 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB bị loại, OCB thế chỗ?
Cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng, SSI Research và Công ty Chứng khoán VnDirect đều dự báo LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ bị loại khỏi danh mục VNDiamond ETF. Theo quy định mới, % tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa để tính tỷ lệ FOL (tỷ lệ nắm giữa của nhà đầu tư nước ngoài/tỷ lệ giới hạn được phép nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài) của LPB là 20% (thay vì 5% như công ty quy định), do đó, tỷ lệ FOL mới của LPB (= % tỷ lệ sở hữu nước ngoài / % tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa) chỉ đạt xấp xỉ 20% và không đáp ứng điều kiện để ở lại VNDiamond (tỷ lệ FOL> 80% đối với các cổ phiếu trong rổ trước đó).
Thay cho vị trí LPB là OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông có thể được thêm vào chỉ số do đã thỏa mãn các điều kiện yêu cầu.
Quỹ VFMVN Diamond là quỹ ETF đang sử dụng danh mục VNDiamond để dẫn chiếu. Hiện, Quỹ có tổng giá trị tài sản khoảng 12.400 tỷ đồng. Với việc bị loại khỏi rổ danh mục, toàn bộ 10,3 triệu cổ phiếu LPB sẽ bị bán ra. Ở chiều ngược lại, SSI Research dự báo quỹ này có thể mua thêm 5,24 triệu cổ phiếu OCB.
Theo dự báo của SSI Research, mức tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2021 của ngành ngân hàng chậm lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẽ đạt khoảng 13%, trong khi nửa đầu năm hầu hết các ngân hàng đã báo lợi nhuận tăng từ 50-70%. Sang năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận ngành này có thể đạt khoảng 21%, cao hơn mặt bằng chung doanh nghiệp niêm yết.
VNDiamond được vận hành bởi Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), mô phỏng theo chỉ số Vietnam Diamond Index dành cho các cổ phiếu hết room ngoại. DCVFM VNDiamond ETF đã chứng minh được chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình từ khi thành lập (tháng 5/2020) đến nay với mức tăng trưởng 96,1% kể từ khi thành lập và 15,6% so với đầu năm. Hiện, quỹ này có khoảng 10 cổ phiếu ngành ngân hàng. Cổ phiếu để được xem xét trở thành cổ phiếu thành phần cần đáp ứng điều kiện về giá trị vốn hóa, giá trị giao dịch, và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài.