Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm đất đai ở Hà Nội

Nhiều vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư xây dựng dự án ở Hà Nội bị cơ quan thanh tra phát hiện với số tiền sai phạm gần 4.000 tỷ đồng.

Ngày 26/7, Thanh tra Chính phủ ra kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội trong giai đoạn 2003-2016.

Kết quả kiểm tra cho thấy sai phạm về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính từ đất liên quan các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trong giai đoạn trên là gần 4.000 tỷ đồng.

Giao đất không qua đấu giá

Theo thanh tra, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể. Việc này khiến các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đã xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng cho 10 dự án xây có thêm các tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch đã được duyệt. Ảnh: Hoàng Hà.

Kết quả thanh tra xác định một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: Dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỷ đồng), dự án phát triển nhà Phong Phú - Deawon - Thủ Đức tại 378 Minh Khai (312,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ nên thu về số tiền thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, dự án tại 365A Minh Khai, dự án 167 Thụy Khuê, dự án 69 Vũ Trọng Phụng, dự án Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân, dự án Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 tại 108 Nguyễn Trãi, dự án 44 Yên Phụ...

Tại dự án Khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 trong khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, nhưng năm 2009, UBND Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá. Điều này vi phạm khoản 1, điều 58 Luật Đất đai 2003 và vi phạm Quyết định số 216/2005 của Thủ tướng.

Trách nhiệm của một trong các sai phạm trên thuộc về Bộ Xây dựng, UBND Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phá vỡ quy hoạch đô thị

Về đầu tư xây dựng theo quy hoạch đất, Thanh tra Chính phủ nêu tháng 7/2011, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Sau đó, UBND thành phố ra kế hoạch triển khai, tổ chức lập 68 đồ án quy hoạch.

Tuy nhiên, cơ quan thanh tra đánh giá việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm. Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Tuyến đường Lê Văn Lương dài 2 km cõng tới 40 cao ốc. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Cũng theo cơ quan thanh tra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ pháp luật. Còn Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được duyệt.

"Một số chủ đầu tư không sử dụng dự án vào công năng kỹ thuật, chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và cho thuê nhưng chưa được UBND Hà Nội xác định giá thu tiền sử dụng đất, gây thất thu ngân sách Nhà nước", kết luận thanh tra chỉ ra.

Đáng chú ý, kết quả thanh tra cho thấy trong 38 dự án, có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ. Tuy nhiên, chỉ dự án tại 47 Nguyễn Tuân được UBND Hà Nội xác định tiền chậm tiến độ với số tiền trên 13 tỷ đồng.

Còn 3 dự án UBND thành phố không thực hiện gồm: Dự án tại 31 Láng Hạ, dự án tại 108 Nguyễn Trãi và dự án chung cư để bán và văn phòng cho thuê tại đường Ngụy Như Kon Tum do Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách Nhà nước và vi phạm khoản 4, Điều 2 Nghị định 135/2016 của Chính phủ.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho rằng tại dự án ở đường Ngụy Như Kon Tum, năm 2009, UBND Hà Nội đã cho phép Tổng công ty Thành An chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Tổng công ty Thành An thực hiện dự án không đúng chỉ đạo của Bộ Quốc phòng nhưng Bộ Quốc phòng thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dự án. Quá trình thực hiện không đạt được mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng nhà ở chung cư cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng kiểm tra toàn diện quá trình thực hiện dự án trên. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xử lý.