Theo thống kê từ Reuters, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vừa vượt mốc 500 triệu trong ngày 14/4, trong bối cảnh biến chủng phụ Omicron BA.2 với khả năng lây lan mạnh đang hoành hành tại nhiều quốc gia châu Á và châu Âu.
BA.2 được cho là nguyên nhân gây ra đợt bùng dịch gần đây tại Trung Quốc và khiến số ca nhiễm tại châu Âu tăng kỷ lục. Đây được gọi là "biến thể tàng hình" vì khó theo dõi hơn so với các biến chủng khác.
Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày với hơn 182.000 ca, chiếm1/4 toàn cầu, theo phân tích của Reuters.
Trong số 240 quốc gia và vùng lãnh thổ được theo dõi, có 20 nơi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng.
Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đang trải qua đợt bùng dịch Coivd tồi tệ nhất kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu vào cuối năm 2019 ở Vũ Hán (tỉnh Hồ bắc), với gần 25.000 ca nhiễm mới được ghi nhận. Số ca nhiễm vẫn tăng cao dù thành phố này đã triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Chính sách phong tỏa của Thượng Hải vấp phải nhiều chỉ trích vì chia rẽ trẻ em khỏi cha mẹ và để những ca nhiễm không có triệu chứng ở gần những ca có triệu chứng.
"Công tác phòng, chống dịch của Thượng Hải đang ở trong giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất”, Wu Qianyu, một quan chức tại ủy ban y tế thành phố, cho biết.
Ở châu Âu, một số quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng chậm hơn hoặc thậm chí giảm, nhưng cứ mỗi 2 ngày, khu vực này lại có thêm hơn 1 triệu ca nhiễm mới. Tại Đức, số ca nhiễm mới bình quân 7 ngày đã giảm và hiện chỉ bằng 59% so với mức đỉnh trước đó vào cuối tháng 3. Số ca nhiễm mới ở Anh và Italy cũng giảm, còn ở Pháp không biến động nhiều.
Tại Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh sau khi đạt đỉnh hồi tháng 1. Tuy nhiên, đợt tái bùng dịch tại một số nước châu Á và châu Âu khiến nhiều người lo ngại rằng một đợt sóng dịch khác có thể xảy tại Mỹ.
Cơ quan y tế công cộng quốc gia Mỹ đầu tuần này ước tính cứ 4 ca Covid tại Mỹ thì có 3 ca nhiễm biến chủng phụ BA.2 của Omicron.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BA.2 hiện chiếm khoảng 86% tổng số ca nhiễm được giải trình tự gen trên toàn cầu. Biến chủng này được cho là dễ lây truyền hơn so với các biến chủng phụ khác BA.1 và BA.1.1. Dù vậy, các bằng chứng đến nay cho thấy BA.2 không có khả năng gây ra bệnh nặng hơn so với các biến chủng khác.
Các nhà khoa học tiếp tục nhấn mạnh tiêm vaccine là giải pháp quan trọng để tránh được những tác động mà virus có thể gây ra. Hiện gần 64,8% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid. Tuy nhiên, chỉ 14,8% dân số tại các quốc gia thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi, theo dữ liệu từ Our World in Data.
Dù số ca nhiễm mới tăng mạnh ở các nước châu Âu và châu Á gần đây, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát cao nhất thế giới với 80,41 triệu, theo sau là Ấn Độ với 43,04 triệu và Brazil với 30,14 triệu.
Tính từ năm 2020, khoảng 37% số ca Covid trên thế giới là ở châu Âu, 21% ở châu Á và 17% ở Bắc Mỹ.
Đến nay, khoảng 6,5 triệu người đã tử vong vì Covid-19. Mỹ là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới, theo sau là Nga, Brazil và Ấn Độ. Nga đã vượt qua Brazil trở thành nơi có số ca tử vong vì Covid cao thứ hai thế giới, theo dữ liệu từ dịch vụ thống kê quốc gia Nga và tính toán của Reuters ngày 14/4.