Agribank AMC mới đăng thông báo bán đấu giá tài sản số 1568. Tài sản đấu giá là tài sản đảm bảo cho khoản vay của CTCP Đầu tư Khang Duy tại Agribank chi nhánh An Phú. Tài sản đảm bảo được đưa ra bán lần này là những lô thép hàng nghìn tấn.
Nhắc đến những lô thép “lưu kho” mang ra bán đấu giá, trước đó trong thông báo bán đấu giá tài sản số 1566 Agribank cũng mang 2 lô thép tổng khối lượng hớn 3.100 kg ra bán đấu giá với giá khởi điểm gần 51 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 16,43 triệu đồng/tấn chưa bao gồm VAT và các loại phí khác. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại thép – Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Gia Vượng. Khoản vay của Công ty Gia Vượng là tại Agribank chi nhánh An Phú.
Trùng hợp, thông báo bán đấu giá lần này, khoản vay của Công ty Khang Duy cũng tại Agribank chi nhánh An Phú. Công ty Khanh Duy có địa chỉ tại Phường 2, quận tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh do bà Đinh Thị Thu Thảo làm người đại diện. Bà Thu Thảo còn là người đại diện cho Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam. Công ty Khang Duy hoạt động từ tháng 2/2015, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất sắt, gang thép, cấu kiện kim loại, vật dụng bằng thép… như Công ty Gia Vượng nói trên.
Theo mô tả, tài sản đảm bảo là 3 lô thép các loại, được cầm cố tại Agribank chi nhánh An Phú vào các thời gian khác nhau. Trong đó:
-Tài sản 1 là lô thép các loại có trọng lượng 1.250 tấn, cầm cố ngày 17/4/2017.
-Tài sản 2 là lô thép các loại có trọng lượng 867 tấn cầm cố ngày 30/3/2018.
-Tài sản 3 là lô thép các loại có trọng lượng 3.849 tấn cầm cố ngày 11/4/2018.
Tổng cộng cả 3 lô thép trên có tổng trọng lượng 5.966 tấn. Thời gian “nhốt kho” lâu nhất từ tháng 4/2017, đến nay đã hơn 5 năm, số còn lại từ tháng 4/2018 đến nay cũng đã hơn 4 năm.
Agribank thông báo tài sản được bán đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng tài sản, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”. Người tham gia đấu giá được tạo điều kiện xem tài sản và tham khảo tất cả các hồ sơ pháp lý có liên quan đến tài sản và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi quyết định mua tài sản đấu giá.
Số thép này cũng được để tại lô C-3D, KCN Mỹ Phước 3, P.Thới Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương như lô thép là tài sản đảm bảo của công ty Gia Vượng nói trên. Như vậy tại KCN này, Agribank đang “lưu kho” ít nhất khoảg 9.000 tấn thép cho riêng 2 khoản vay này. Người đăng ký xem tài sản đấu giá phải tự túc phương tiện và chịu các loại chi phí đi xem tài sản, nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Giá khởi điểm cho lô hàng này là 95.674.438.000 đồng (Bằng chữ: Chín mươi lăm tỷ, sáu trăm bảy mươi bốn triệu, bốn trăm ba mươi tám ngàn đồng). Mức giá trên chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và thuế GTGT trong trường hợp tài sản bảo đảm đấu giá thuộc diện phải chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Tài sản được bán được nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy. Không bán riêng từng tài sản.
Với mức giá khởi điểm hơn 95,67 tỷ đồng cho lô thép các loại tổng khối lượng 5.966 tấn, tương ứng giá khởi điểm bình quân khoảng 16,04 triệu đồng/tấn chưa bao gồm VAT và các phí khác.
Trong khi đó, trên thị trường hiện tại, giá thép trong nước và Quốc tế đã hạ nhiệt nhiều. Báo giá của Thép Hoà Phát hồi giữa tháng 8/2022 ghi nhận thép cán nóng giao tháng 10/2022 khoảng 14 triệu đồng/tấn - còn thấp hơn nhiều so với giá bán mà Agribank muốn thu về cho lô thép nằm kho lâu ngày này.
Theo tìm hiểu, trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2018 Công ty Khang Duy cũng thường xuyên mang các lô thép ra thế chấp tại ngân hàng để vay vốn. Thép mang đi thế chấp chủ yếu là thép cuộn cán nóng và thép mạ kẽm.
Trong các hợp đồng thế chấp phần lớn đều nêu rõ hàng lưu giữ tại kho hàng của công ty tại lô C-3D, KCN Mỹ Phước 3, P.Thới Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH DV Bảo vệ an ninh Toàn Cầu quản lý và bảo vệ lô hàng.
Việc ngân hàng mang các tài sản đảm bảo ra bán đấu giá để thu hồi công nợ diễn ra hàng ngày, không còn xa lạ với các nhà đầu tư. Tuy nhiên với những lô hàng hoá lớn như hàng nghìn, đến gần chục nghìn tấn thép lưu kho thời gian 4-5 năm thế này không nhiều. Bên cạnh đó, số lớn trong đó là những lô thép cán nóng – mà đặc điểm của thép cán nóng là cán ở nhiệt độ cao, do vậy khâu lưu trữ bảo quản nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến chất lượng đi xuống nhanh chóng.
Dù chưa biết hiện trạng những lô thép mà Agribank mang ra đấu giá đang như thế nào. Tuy vậy, với những lô hàng bán đấu giá kiểu này, liệu có nhà đầu tư nào chịu "gánh" rắc rối về mình khi lo giải quyết bao nhiêu thủ tục liên quan, tự chịu rủi ro với lô tài sản...và đặc biệt giá hàng "nhét kho" 4,5 năm còn cao hơn giá thị trường.