Thị trường chứng khoán cần thêm thời gian tích lũy trước khi vào chu kì tăng trưởng mới

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trước khi bước vào một giai đoạn tăng mới. Về dài hạn, xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ được trợ lực bởi nền tảng kinh tế vĩ mô dần phục hồi sau hai năm dịch bệnh, triển vọng nâng hạng thị trường và quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ các tổ chức quốc.

Kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo xu hướng phục hồi trong 2022

Thông tin tại Hội thảo MBS Talk 22 với chủ đề “Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022”, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết kinh tế thế giới 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức hơn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó của các tổ chức quốc tế. Đồng thời, cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra áp lực lạm phát trên toàn cầu, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc một lần nữa đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng áp lực tăng giá và giảm sản lượng. Đặc biệt, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã chuyển hướng chính sách và bắt đầu tăng lãi suất, nhằm kiểm chế lạm phát.

Theo Kinh tế trưởng MBS, những yếu tố đó trên toàn cầu sẽ có tác động không tích cực tới thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới và cả Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo xu hướng phục hồi trong năm 2022 này. Theo chuyên gia này, hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung ở Việt Nam và triển vọng GDP của 2022 là 6 - 6,5%. Các lĩnh vực là công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng đều có những tín hiệu rất tích cực. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, nhằm đẩy mạnh vốn đầu tư công; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai tín dụng ưu đãi, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện giúp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm sau trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán” – ông Hoàng Công Tuấn cho hay.

Thị trường vẫn đang trong xu thế đi lên trong dài hạn

Theo các chuyên gia tại hội thảo, TTCK Việt Nam vừa trải qua một đợt biến động mạnh theo xu hướng giảm và gần đây đã xuất hiện nhịp hồi phục. Tuy nhiên, nhịp hồi đó chưa chắc chắn vì dòng tiền vẫn chưa vào mạnh, do vậy sẽ cần thêm thời gian tích lũy mới có thể bắt đầu một chu trình tăng mới.

Theo chuyên gia MBS, kịch bản VN-Index năm 2018 có thể lặp lại.

Về triển vọng dài hạn, Kinh tế trưởng của MBS cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục và tăng trưởng trở lại, giúp các cơ hội về kinh doanh ở các lĩnh vực khác ngoài chứng khoán sẽ tăng cao trở lại. Vì vậy, các yếu tố mang tính cơ bản vĩ mô và các yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới.

Ông Hoàng Công Tuấn khuyến nghị, nhà đầu tư cần chọn lựa được những công ty tốt, có năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và đặc biệt là giá cổ phiếu cũng phải ở mức độ hợp lý.

Theo Kinh tế trưởng của MBS, về dài hạn, TTCK Việt Nam không phải đang đi xuống mà vẫn đang đi lên. Theo đó, kịch bản thị trường năm 2022 sẽ tương tự năm 2018 trước khi trưởng tích cực trong 2 năm tới.

Bên cạnh những yếu tố trên, “xu hướng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong dài hạn sẽ được “trợ lực” bởi nền tảng kinh tế vĩ mô dần phục hồi sau hai năm dịch bệnh, triển vọng nâng hạng thị trường và quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế” – chuyên gia của MBS nói./.