Thị trường chứng khoán đã chiết khấu hết rủi ro?

Mức sụt giảm khoảng 3,5% của VN Index kể từ ngày 24-2 (ngày cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra) thực tế lại đến từ những cổ phiếu (CP) của những doanh nghiệp không chịu tác động từ cuộc chiến. Như vậy, thị trường chứng khoán (TTCK) phản ánh rủi ro chỉ mang tính tâm lý chung, và trong hơn 3 tuần qua cũng phát đi những tín hiệu lạc quan trở lại, tuy nhiên đó chỉ là những yếu tố ngắn hạn.

Giá CP tổn thương ít

VN Index sụt giảm xấp xỉ 53 điểm trong thời gian chiến sự nổ ra, trong đó 10 CP khiến chỉ số này mất nhiều điểm nhất (xấp xỉ 38 điểm tương đương 72%) lần lượt từ cao xuống thấp là VHM, VCB, BID, MSN, VIC, CTG, GAS, TCB, BCM và SAB.

Có thể thấy trong số này nhóm CP ngân hàng chiếm khá nhiều, mức sụt giảm giá được cho là do ảnh hưởng phần nào từ mối quan hệ thanh toán với các ngân hàng Nga, và có rủi ro gia tăng khi nhiều ngân hàng Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Lo ngại này là có cơ sở, khi chính Ngân hàng Nhà nước ngày 3-3 vừa qua đã yêu cầu một số ngân hàng trong nước báo cáo tình hình hợp tác với thị trường Nga, vướng mắc trong xử lý giao dịch cũng như công nợ hai chiều. Thực tế các CP ngân hàng đã có phản ứng sớm hơn bằng một phiên giảm rất mạnh ngày 2-3.

Tuy nhiên, lo ngại này cũng có thể chỉ mang tính cảm tính nhiều hơn. Bởi đà giảm của CP ngân hàng không phải đến ngày 24-2 hay sau ngày 3-3 mới bắt đầu. Hầu hết các CP ngân hàng đã có chu kỳ tăng mạnh mẽ trong quý IV-2021 và đạt đỉnh cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2-2022.

Nói cách khác, ngay cả khi không có xung đột Nga-Ukraine hay câu chuyện trừng phạt hệ thống ngân hàng Nga, thì CP ngân hàng cũng có nguy cơ rơi vào nhịp điều chỉnh. CP VCB là thí dụ rõ nhất, mã này khiến VN Index giảm nhiều nhất trong nhóm ngân hàng, đạt đỉnh từ ngày 25-1 và đến ngày 23-2 (trước khi xung đột nổ ra) mức điều chỉnh đã là 9,3%.

Tương quan biến động giá dầu Brent từ đáy đầu tháng 12-2021 với một số chỉ số nhóm CP Than, Thép, Dầu khí, Phân bón trên TTCK Việt Nam. Giá CP các nhóm hàng hóa này phản ứng chậm hơn xu thế tăng của giá dầu và chỉ thật sự bùng nổ sau xung đột Nga-Ukraine.

Ngoài 5 CP ngân hàng nói trên, 5 CP còn lại khiến VN Index giảm điểm nhiều nhất là những cái tên khó tìm thấy sự liên hệ thiệt hại thật sự nào từ xung đột hay các vấn đề trừng phạt liên quan. MSN chẳng hạn, không hề giảm khi xung đột nổ ra và chỉ rơi mạnh trong 6 phiên gần đây. VIC rơi khoảng 6,7% trong 3 phiên đầu tiên kể từ hôm 24-2 và suốt 12 phiên tới nay chỉ đi ngang. SAB và GAS lại càng là những cái tên ít liên hệ. Đặc biệt GAS chỉ bắt đầu giảm mạnh trong tuần qua khi giá dầu bắt đầu thoái lui.

Thống kê với 409 CP đang niêm yết trên sàn HoSE kể từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine đến nay, có 193 mã tăng giá và 196 mã giảm giá. Dễ thấy đây là một trạng thái thị trường cân bằng, khi cứ 1 CP giảm giá vẫn có xấp xỉ 1 CP tăng giá. Nhìn từ góc độ xác suất, rõ ràng thị trường vẫn có tính ngẫu nhiên, không giống như một thị trường đang phản ánh rủi ro của một cuộc chiến tranh.

Những CP giảm hàng đầu cũng không có liên hệ gì tới xung đột, như VRC (giảm 32,7%) là mã chứng khoán của một công ty bất động sản tại Vũng Tàu; hay MCP (giảm 15,5%) là của một công ty bao bì...

Ngược lại, xung đột lại là cơ hội để dòng tiền vận động mạnh mẽ hơn tìm kiếm các CP hưởng lợi. Trong số 193 CP tăng giá kể từ ngày 24-2 đến nay, thanh khoản tập trung mạnh mẽ nhất vào các CP hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng lẫn cơ hội mở rộng thị trường khi các lệnh trừng phạt lẫn nhau được tung ra.

5 CP có giá trị giao dịch trung bình lớn nhất là NKG (trung bình 573,1 tỷ đồng/phiên trong suốt giai đoạn xung đột), DPM (468,9 tỷ đồng/phiên), HSG (448,4 tỷ đồng/phiên), DCM (442,9 tỷ đồng/phiên) và PVD (437,4 tỷ đồng/phiên). Không khó để nhận thấy đó là các mã CP tiêu biểu ngành thép, phân bón và dầu khí, những lĩnh vực bùng nổ giá sản phẩm đầu ra thời điểm hiện tại.

Biến số lạm phát

Những thống kê nói trên cho thấy điểm thú vị nhất của TTCK là sự “vô cảm”: Một cuộc chiến tranh có thể đem lại rất nhiều đau thương, tàn phá, nhưng dòng tiền vẫn luôn tìm thấy lợi ích trong đó. Mức điều chỉnh ở các TTCK cũng không quá lớn, một phần vì cho tới nay, sự trừng phạt lẫn nhau chưa nằm trong kịch bản “hỗn loạn” nhất mà thị trường lo ngại.

Lĩnh vực đáng sợ nhất là dầu và khí mà thị phần của Nga rất lớn. Trong 10 ngày đầu tiên của xung đột, giá dầu Brent đã tăng từ 96,8 USD/thùng lên cao nhất 139,13 USD/thùng, tương đương tăng 43,7%. Phản ứng này là do lo ngại thị trường dầu khí đổ vỡ nếu nguồn cung dầu của Nga bị ngắt. Tuy nhiên khi các lệnh trừng phạt của châu Âu vẫn để ngỏ kênh hàng hóa này, cộng với việc Nga tuyên bố không “vũ khí hóa” dầu khí, giá dầu đã hạ nhiệt. Dầu Brent hiện chỉ còn tương đương mức giá trước khi xung đột nổ ra.

Tuy vậy, hệ quả của cuộc xung đột sẽ dai dẳng hơn nhiều, khi giá nhiều loại hàng hóa đã tăng cao và đang neo ở mức rất cao, cộng với sự gián đoạn hệ thống logistics từ đường biển tới hàng không. Các định chế đầu tư toàn cầu, lẫn các tổ chức quốc tế đều cảnh báo về một lực kéo lạm phát thời gian tới và các ngân hàng trung ương không còn cách nào khác là tăng lãi suất.

Ngay tại Việt Nam, biến số lạm phát cũng là một “điểm đen” trong bức tranh tăng trưởng đang ngày càng sáng rõ của năm 2022. Theo Dragon Capital, rủi ro lớn nhất của Việt Nam hiện tại là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu, chiếm tỷ trọng 3,6% trong rổ lạm phát, tăng mạnh. VinaCapital cũng nhận định giá năng lượng tăng cao là lý do khiến tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam từ 7,5% xuống 6,5%.

Nếu những thay đổi mang tính kỹ thuật - như sự luân chuyển dòng tiền theo nhóm ngành để tìm kiếm lợi nhuận tăng giá CP - chỉ là những phản ứng mang tính ngắn hạn, thì lạm phát, sự giảm tốc tăng trưởng nói chung, giảm nới lỏng tiền tệ, mới là những yếu tố dẫn đến phản ứng dài hạn. Giá thép, giá phân bón, giá than, giá xăng dầu... quá cao tuy có thể giúp nhà đầu tư kiếm lời, nhưng với tổng thể vĩ mô thì lại là bất lợi và sớm muộn người dân cũng thấy các chi phí đắt đỏ lên. TTCK cuối cùng cũng phải phản ánh những yếu tố vĩ mô.