Thị trường lao động trầm lắng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Trái với quy luật hàng năm, quý IV/2022, thị trường lao động rơi vào trạng thái trầm lắng.

“Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp không ký được đơn hàng xuất khẩu, buộc phải sa thải, cho nghỉ việc tạm thời, khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng”, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) giải thích.

ong-nguyen-huy-minh-pho-vu-truong-vu-thong-ke-dan-so-va-lao-dong-1673931513.jpgÔng Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê)

Quý III/2022, Tổng cục Thống kê dự báo rất lạc quan về thị trường lao động cuối năm, nhưng thực tế ngược lại với dự báo, thưa ông?

Thông thường, quý IV hàng năm, thị trường lao động luôn rất sôi động, cộng với những kết quả rất ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, nhất là quý III, nên chúng tôi đã dự báo thị trường lao động quý IV/2022 hết sức sôi động. Nhưng diễn biến thực tế lại nằm ngoài dự báo, như kinh tế thế giới đối mặt với những thách thức rất lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức báo động đỏ; xung đột Nga - Ukraine càng ngày càng nóng. Tất cả những nhân tố này tác động tiêu cực ngay lập tức đến hoạt động sản xuất trong nước, vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, bị thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, khiến thị trường lao động trở nên u ám.

Chỉ tính 148.500 doanh nghiệp thành lập mới năm 2022 đã đăng ký sử dụng 981.300 lao động, không kể số lao động do gần 60.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đáng ra, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm phải giảm mạnh, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Ông có thấy nghịch lý không?

Về lý thuyết, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều thì số lượng thất nghiệp, thiếu việc làm phải giảm. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp đăng ký sử dụng lao động khi thành lập với cơ quan quản lý nhà nước, sau đó họ có tuyển dụng không, thì không được kiểm tra, giám sát, nên không thể biết được có bao nhiêu người lao động được tuyển dụng. Còn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chỉ đăng ký với cơ quan quản lý thuế để tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước thông qua mã số thuế, còn họ có tuyển dụng hay không, tuyển dụng bao nhiêu, thì không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước.

Song song với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì cũng có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%. Doanh nghiệp ngừng, tạm ngừng, giải thể ngày nào thì người lao động mất việc ngày đó, nên tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc giảm không đáng kể.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2022?

Không ai dự báo được hoạt động sản xuất, kinh doanh các tháng cuối năm của nước ta lại đi ngược quy luật hàng năm. Nguyên nhân chính là do tác động của tình hình an ninh - chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, dẫn tới nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn ngân hàng và tỷ giá tăng rất mạnh kể từ đầu tháng 10/2022, khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, gỗ, điện tử... gặp khó khăn hơn cả. Chính vì vậy, năm 2022, đã có tổng cộng gần 296.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, trong đó, số lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 64%. Riêng lao động trong ngành dệt may, da giày bị nghỉ việc chiếm chiếm 72,5% và chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM (khoảng 36.000 người), Tây Ninh (42.000 người)...

Vấn đề là, tỷ lệ thiếu việc và thất nghiệp quý IV/2022 tăng không đáng kể so với quý trước đó, trong khi hàng trăm ngàn công nhân đã phải “nghỉ Tết sớm”, hàng chục ngàn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong 3 tháng cuối năm 2022. Ông giải thích thế nào?

Theo ghi nhận, chỉ riêng 3 tháng cuối năm 2022, cả nước có 117.000 lao động bị thôi việc, mất việc, trong đó, 68% là lao động phổ thông và 85% trong số họ làm việc ở ngành dệt may, da giày và sản xuất linh kiện điện tử.

Như vậy, so với quý trước đó, trong quý IV/2022 có thêm 25.000 người bổ sung vào “đội quân thất nghiệp”. Khi bị mất việc làm tại các doanh nghiệp, người lao động phải chấp nhận làm công việc bấp bênh tạm thời, tức là tham gia thị trường lao động phi chính thức, khiến số lao động phi chính thức tăng trên 337.000 người; những người bị mất việc còn lại sẽ đi làm các công việc tự sản tự tiêu hoặc rời bỏ thị trường lao động. Vì thế, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc tăng không đáng kể.

Mỗi năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 970.000 người, để giải quyết bài toán lao động thì số lao động có việc làm phải tăng tương ứng, nhưng trên thực tế, số lao động có việc làm tăng không đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Mức tăng dân số không tương ứng với mức tăng lao động có việc làm, bởi mức tăng lao động có việc làm dựa trên mức tăng của số người trong độ tuổi lao động.

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, nên bình quân mỗi năm có khoảng 450.000 người bước vào độ tuổi lao động. Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 70%, thì bình quân mỗi năm trong điều kiện bình thường, Việt Nam có thêm 315.000 người gia nhập thị trường lao động. Như vậy, trong điều kiện bình thường, lao động có việc làm năm 2022 phải cao hơn năm 2019 khoảng 945.000 người. Mặc dù số lao động có việc làm năm 2022 tăng khoảng 1,5 triệu người so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn năm 2019, do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp không ký được đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, điện tử...