Thường vụ Quốc hội xem xét chủ trương chuyển đổi đất xây cao tốc Bắc - Nam

11/07/2022 11:35

Sáng nay (11/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa liên quan cao tốc Bắc -Nam.

Sáng nay (11/7), phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức khai mạc.

Theo dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

cao-toc-bac-nam-1657508735.jpg Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển mục đích đất trồng lúa của Dự án cao tốc Bắc - Nam

Tiếp đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2022.

Trước đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tờ trình nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 44/2022 của Quốc hội, căn cứ ý kiến các bộ và địa phương liên quan, ngày 15/4/2022, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có báo cáo về kết quả thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu của dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 - 2025 và thời kỳ 2021 - 2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054 ha, gồm: gần 112 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; gần 803 ha rừng sản xuất; hơn 135 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ gần 15 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất hơn 120 ha).

Về việc chuyển mục đích sử dụng đất, trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua, diện tích đề nghị chuyển đổi là hơn 1.721 ha đất trồng lúa, gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là hơn 1.537 ha; đất trồng lúa còn lại là hơn 184 ha.

Đất rừng dự kiến chiếm dụng là gần 1.864 ha, gồm: đất rừng phòng hộ hơn 138 ha; đất rừng đặc dụng 4,61 ha; đất rừng sản xuất hơn 1.721 ha.

So với sơ bộ diện tích chiếm dụng nêu tại Nghị quyết số 44/2022 của Quốc hội, diện tích đất lâm nghiệp đề nghị chuyển đổi tăng gần 318 ha (đất rừng phòng hộ tăng 28,10 ha, đất rừng sản xuất là hơn 285 ha và đất rừng đặc dụng tăng 4,61 ha). Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 5,23 ha.

Nguyên nhân có sự thay đổi trên là do trong bước nghiên cứu tiền khả thi dự án được tính toán trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi. Hiện nay, số liệu đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được UBND các tỉnh đo đạc, thống kê, tổng hợp trên cơ sở hướng tuyến nên độ chính xác cao hơn.

Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật.

Chỉ đạo UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, cập nhật dự án vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất; Về loại rừng, diện tích rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6/2022 (trong đó công tác dân nguyện tháng 05/2022); xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

Theo dự kiến, phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bế mạc vào ngày 12/7.

Bạn đang đọc bài viết "Thường vụ Quốc hội xem xét chủ trương chuyển đổi đất xây cao tốc Bắc - Nam" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#