Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, khái niệm “tài sản” cần phải được bổ sung cụ thể: tài sản ảo, tài sản số hóa và tài sản mã hóa.
Từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng nhận định, Việt Nam không thừa nhận tiền ảo, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số, nhưng hiện nay đang có một thị trường ngầm hoạt động rất sôi động. Nhiều đối tượng phạm tội đều sử dụng tiền ảo để rửa tiền.
Tại nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vì các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành, nên chưa đưa vào dự thảo luật này. Năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1255 phê duyệt đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.
Theo đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính được giao làm đầu mối triển khai nhiệm vụ “xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, tài sản ảo” và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản ảo, tiền ảo. Tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận tiền ảo đang là vấn đề rất bức xúc.
Nhìn vào tốc độ phát triển của tiền ảo có thể thấy những nguy cơ, rủi ro rất thật. Do vậy, cần luật hóa những nguyên tắc đảm bảo tiền ảo, tài sản ảo không trở thành công cụ rửa tiền, cũng như không trở thành căn nguyên của nhiều bất ổn kinh tế - xã hội khác.