Tín dụng năm 2022 hướng vào các lĩnh vực ưu tiên

Năm 2022, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.

Năm 2022 ngành ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.

Sức bật của tín dụng hậu giãn cách

Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/12/2021 của ngành ngân hàng tăng 13,53% so với cuối năm 2020 và dự kiến tăng 14% trong năm 2022. Tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực phục hồi kinh tế.

Trước đó, số liệu được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đưa ra, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến ngày 27/12 đạt 12,97% so cuối năm 2020. Từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%. Còn số liệu đến cuối tháng 10/2021, con số này là 8,7% và cuối tháng 9 là 7,17%. Như vậy, chỉ trong tháng 12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế tăng đến 3,43% so với tháng 11/2021 và tăng 4,83% so với tháng 10/2021...

Trong tháng 10 và 11/2021, khi phần lớn các địa phương mở cửa trở lại, tín dụng tăng gần 3%, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn năm 2021 vẫn đạt được những kết quả quan trọng và là điểm sáng, là động lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2022.

Kết thúc năm 2021, huy động vốn trên địa bàn TP.HCM ước tăng 7,5%, cho vay vốn tăng 10,7%. Tháng 11/2021, tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trên 2% so tháng trước đó. Tháng 12/2021, tín dụng trên địa bàn 2% so với tháng 11/2021. Như vậy, tín dụng ngân hàng tại TP.HCM tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% tháng 9/2021), phản ánh tín hiệu tích cực trong phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trước đó, cả quý III/2021, tín dụng ngân hàng trên địa bàn Thành phố chỉ tăng 0,2%.

Sẽ tiếp đà tăng trong năm 2022

Bước sang năm 2022, các chính sách hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ đều sẽ giúp cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy cung - cầu tín dụng, giảm thiểu rủi ro, nên hoạt động kinh doanh các ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực. Đó cũng chính là cơ sở để ngành ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.

Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng. Cụ thể, các gói cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi.

Theo VDSC, các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng.

Các chuyên gia cho rằng, gói cấp bù lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn và trực tiếp hơn so với các ngân hàng thương mại. Tác động tích cực và dễ nhận thấy của gói kích thích lên kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ thông qua hai cấu phần chính là tăng trưởng bảng cân đối (tín dụng, huy động) và chi phí dự phòng rủi ro.

Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, tín dụng tăng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2021 khi cầu vốn tăng, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình đầu tư đang rất cao, Chính phủ cũng đang có kế hoạch đưa ra các gói kích cầu tăng trưởng trong năm nay. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gáo gỡ các vướng mắc của các dự án... sẽ thúc đẩy tín dụng năm 2022. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt ra năm nay là 13-14% và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ cải thiện.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, cần kết hợp cả chính sách tài chính và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay, dư địa của cả hai chính sách tài chính và tài khóa đều không còn nhiều, nên phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai chính sách này. Đồng thời, đầu tư công và hỗ trợ lãi suất tín dụng ngân hàng cần được hướng vào những dự án có hiệu quả. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi có sự kiểm soát chặt chẽ, có sự chọn lọc kỹ lưỡng đối tượng hỗ trợ, thay vì hỗ trợ một cách đại trà.