Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai các chính sách cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất 2% cho công nhân vay thuê, mua nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Cụ thể, bên cạnh thực hiện hiệu quả chính sách cho vay đối với người lao động, cá nhân, hộ gia đình, học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục, đợt này, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM tiếp tục cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định; tiếp tục cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.
Đồng thời , trong văn bản cũng nêu rõ, sẽ mở rộng đối tượng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập theo quy định; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn…
Các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với những khoản vay có lãi suất trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM giải ngân trong giai đoạn này.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện tiếp tục triển khai cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc triển khai các chính sách trên theo Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Chính sách ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
“Khó chồng khó” cản trở doanh nghiệp làm nhà ở xã hội
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản bền vững trong bối cảnh mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây cho hay, trước đây, tại Nghị định 100/2015 quy định đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại các đô thị từ loại 3 trở lên thì phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để bố trí nhà ở xã hội.
Với dự án dưới 10 ha thì được chọn bố trí bằng đất, quỹ nhà hoặc bằng tiền. Đến Nghị định 49/2021 thì quy định, các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt, loại 1; từ 5 ha trở lên tại đô thị loại 2, 3 thì phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội.
Các điều tiết nhà ở xã hội như hiện nay đang có những bất cập, gây nên rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là đối với các dự án trung cấp và cao cấp tại khu vực trung tâm.
Một dự án chỉ có 2 ha đất tại TP.Thủ Đức, chủ đầu tư đã phải bồi thường giá cao, trong khi tiền đất được khấu trừ cho quỹ đất nhà ở xã hội theo đơn giá nhà nước, chênh lệch rất lớn doanh nghiệp sẽ phải gánh. Từ đó, đội giá nhà ở thương mại lên cao.
"Việc buộc doanh nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội là có phần khiên cưỡng" - ông Dũng nói.
Cùng với đó, ông Dũng kiến nghị đối với các khu đất do chủ đầu tư tự tạo lập thì cho phép doanh nghiệp được quyền lựa chọn phương án bố trí bằng đất tại khu vực phù hợp để phát triển nhà ở xã hội hoặc bằng tiền mà không phân biệt quy mô khu đất, dự án. Về lâu về dài, Nhà nước nên có các quỹ đất sạch quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội và giao cho cơ quan quản lý kinh doanh nhà cấp tỉnh làm chủ đầu tư dự án.
Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho rằng, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai nhà ở xã hội. Khó khăn đầu tiên là hiện nay các cơ quan, ban ngành trình một dự án dù là dự án thương mại hay nhà ở xã hội thì đều phải phù hợp quy hoạch. Quy định hiện nay, các dự án nhà ở xã hội thì được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần.
Chẳng hạn, một dự án quy hoạch hệ số sử dụng đất là 4 thì doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ được tăng lên 1,5 lần, tương đương với 6. Tuy nhiên, trên thực tế quy hoạch vẫn là 4 nên các sở, ngành chuyên môn không trình được. Đó là chưa kể quy định cho tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần nhưng không cho tăng tầng cao và dân số nên cũng rất khó làm.
Mặt khác, khi doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội thì được dành 20% diện tích căn hộ hoặc quỹ đất để bán thương mại. Tuy nhiên, lợi nhuận sau khi bán lại được tính chung trong toàn dự án nên cũng coi như doanh nghiệp chưa được hưởng.
Chưa kể, theo ông Nghĩa, trên lý thuyết thì được vay 70-80% với lãi suất ưu đãi 5%/năm nhưng thực tế từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn để tái cấp bù cho các ngân hàng không có, dẫn đến chúng tôi phải vay thương mại với mức 11%/năm. Điều này khiến cho giá nhà ở xã hội không thể nào giảm được.
Giám đốc Công ty Lê Thành kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành riêng một quy trình và quy chuẩn riêng cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Đồng thời hình thành một thị trường riêng về nhà ở xã hội để những người thuộc đối tượng mua, thuê mua có thể mua, bán cho nhau, thay vì phải mua bán ngầm như hiện nay.