“Bất ngờ” khối nợ xấu tại Techcombank, MSB và SCB
Kết thúc năm tài chính 2020, cả Techcombank, MSB và SCB đều ghi nhận lợi nhuận ‘khủng’ bất chấp Covid-19. Tuy nhiên, khối nợ xấu tại 3 ngân hàng này cũng đáng để nhà đầu tư quan tâm.
Cụ thể, năm 2020, thu nhập lãi thuần tại Techcombank đạt 18.751 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 tại Techcombank đạt lần lượt 15.800 tỷ đồng và 12.582 tỷ đồng, đều tăng 23% so với năm 2019, cao hơn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông đã thông qua là 21,5%.
Đặc biệt, tính đến 31/1/2/2020 tổng lưu chuyển tiền thuần tại Techcombank bị âm hơn 10.918 tỷ đồng (trong khi năm trước tăng hơn 9.315 tỷ đồng). Điểm sáng nhất tại Techcombank trong năm 2020 chính là nợ xấu giảm.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, Techcombank đưa nợ xấu về mức hơn 1.295 tỷ đồng, giảm 58% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm mạnh 87%, xuống còn hơn 344 tỷ đồng. Kéo tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,5%, thấp hơn mức 0,6% tại 30/09/2020 và 1,3% tại 31/12/2019.
Đáng lưu ý, trong khi nợ nhóm 5 giảm 87% thì nợ nhóm 3 tại Techcombank lại tăng mạnh 91% so với đầu năm, lên mức 417 tỷ đồng và nợ nhóm 4 cũng tăng lên 75%, đạt gần 534 tỷ đồng.
Đối với MSB, năm 2020 ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 4.822 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2019; lãi trước thuế tăng 96% đạt hơn 2.523 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 93% đạt 2.011 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả của MSB tăng 12% so với đầu năm, lên mức 159.823 tỷ đồng, cao gấp 9,4 lần vốn chủ sở hữu.
Về nợ xấu, năm 2020 dù MSB trích hơn 1.073 tỷ đồng dự phòng rủi ro nhưng tổng nợ xấu của ngân hàng này vẫn tăng 20% so với năm 2019, lên mức hơn 1.557 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 tuy đã giảm 12% xuống còn gần 868 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 3 lại tăng vọt 95% lên mức gần 296 tỷ đồng và nợ nhóm 4 cao gấp 2,3 lần năm 2019 lên mức 394 tỷ đồng.
Còn tại SCB, cả năm 2020, ngân hàng này dành 1.993 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, giảm 16% so với năm 2019, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên 13.600 tỷ đồng. Kết quả, SCB báo lãi trước và sau thuế gấp 3,2 lần năm trước, đạt hơn 696 tỷ đồng và 551 tỷ đồng.
Khác với MSB và Techcombank, tính đến 31/12/2020, tổng nợ xấu tại SCB tăng 72% so với đầu năm, lên mức 2.835 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 gấp 2 lần đầu năm, nợ nhóm 5 tăng 52% lên mức 1.629 tỷ đồng. Kết quả kéo tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lên mức 1,16% và 0,81%.
Lưu ý, năm 2020 khoản lãi dự thu (nguồn lãi ảo) tại SCB tăng 39% so với năm trước, lên mức 73.598 tỷ đồng.
Techcombank, SCB, MSB bất ngờ bị ‘réo tên’ trong vụ sai phạm đất công của Vinafood2?
Sử dụng Giấy chứng nhận QSDĐ của 4 cơ sở nhà đất và lập nhiều hồ sơ vay bằng Dự án đầu tư “khống” để thế chấp đảm bảo, Vinafood2 đã có thể vay hàng nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng Techcombank, MSB, Sacombank.
Cụ thể, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020, sai phạm của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) không chỉ là bốn lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. Doanh nghiệp này đã hai lần lập hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng.
Cụ thể giai đoạn từ 2010 đến cuối năm 2015, VinaFood không triển khai dự án, chỉ sử dụng Giấy chứng nhận QSDĐ này để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng lúc cho các Công ty thành viên có cùng mục đích sử dụng vốn vay giống nhau, như: Tổng Công ty LTMN ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) số CIB20140016/HĐTD ngày 05/12/2014 để bổ sung vốn kinh doanh thường xuyên cho 4 công ty thành viên, hạch toán phụ thuộc.
Sau đó, từ cuối năm 2015 đến nay, Công ty TNHH TM-DV XD Việt Hân Sài Gòn lại sử dụng Giấy chứng nhận QSDĐ này để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho các cá nhận hoặc Công ty khác vay tiền ngân hàng mua vốn góp của Công ty Việt Hân Sài Gòn (Công ty liên kết, góp vốn), hoặc thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho nhiều Công ty khác với cùng mục đích sử dụng vốn vay giống nhau là: Bổ sung vốn để thực hiện thi Công các hạng mục xây dựng của Dự án “khống” lấy tên là The Goldmark Premium Tower, giai đoạn 1 (thực tế không có tồn tài dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền) tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này, hoặc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các pháp nhân khác thực hiện các dự án khác, không liên quan đến 4 cơ sở nhà đất này.
Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con, gồm: Công ty cổ phần Bạch Minh Long, Công ty cổ phần Supreme Power, Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty cổ phần Clover Peak, Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Man, Công ty cổ phần Đầu tư Song Phú.
Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác để giải ngân và cho vay mới. Chiêu này được lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước.
Cụ thể, có 3 lần vay:
+ Lần 1: Tổng Công ty LTMN ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) số CIB20140016/HĐTD ngày 05/12/2014 để bổ sung vốn kinh doanh thường xuyên cho 4 công ty thành viên, hạch toán phụ thuộc; ký Hợp đồng thế chấp số CIB2015.0022/HĐTC ngày 6/3/2015 (không có chứng nhận của công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo). Trong đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 971073 của 4 cơ sở nhà đất này được định giá là 696,470 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Techcombank. Techcombank đã giải ngân từ ngày 93//2015 là 518,129 tỷ đồng.
+ Lần 2: Ông Đinh Trường Trinh, chức vụ Chủ tịch HĐTV là Đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký Hơp đồng thế với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, CN TP Hồ Chí Mình (MSB) không số ngày 29/4/2016 bằng Giấy CN Quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất có tổng giá trị tài sản đảm bảo là hơn 2.043 tỷ đồng. MSB đã giải ngân vào ngày 4/2/2016 đến ngày 24/1/2017 thì giải chấp.
+ Lần 3: Bà Trương Thị Cẩm Giang – Chủ tịch HĐTV, Đại diện pháp luật Công ty TNHH TM DV XD Việt Hân Sài Gòn ký Hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch với giá trị đảm bảo là 4 cơ sở nhà đất này thuộc Dự án The Goldmark Premium Tower (dự án khống) là 7.251 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – CN Phạm Ngọc Thạch đã thực hiện giải ngân hơn 5.801 tỷ đồng từ ngày 6/2/2017 đến 30/3/2017. Đến tháng 8/2017, Công ty TNHH TM DV XD Việt Hân Sài Gòn đã tiến hành giải chấp.
Tiếp đến, ngày 17/8/2017 bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục ký hợp đồng vay hơn 5.300 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Củ Chi bằng tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nêu trên. Mục đích vay cũng như lần trước, thực hiện thi công giai đoạn 1 dự án The Goldmark Premium Tower.
Hiện nay, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã thế Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất để vay từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn khoảng 6.308 tỷ đồng. Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con gồm: Công ty CP Bạch Minh Long, Công ty CP Supreme Power, Công ty CP Đầu tư Thuận Nha, Công ty CP Clover Peak, Công ty CP Đầu tư Thanh Man, Công ty CP Đầu tư Song Phú.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp.
Đồng thời, việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng hàng nghìn tỉ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.
Thực tế, một doanh nghiệp đem tài sản thế chấp tại nhiều ngân hàng là một lỗ hổng lớn do lỏng lẻo trong khâu thẩm định tài sản của ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từng cho rằng các quy trình thẩm định giá trị tài sản hiện nay rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng vẫn ‘sập bẫy’ xuất phát từ trách nhiệm của bên cho vay là ngân hàng phải điều tra xem tài sản đó đã thế chấp cho ai chưa. Nếu xác định tài sản thế chấp ấy là của mình phải đảm bảo xác thực và giữ tay hòm chìa khóa.