Tranh thủ chứng khoán sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong năm

Tranh thủ đà sụt giảm của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào khoảng 400 triệu USD trong tháng 11 - nhiều nhất từ đầu năm đến nay.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group, cho biết như trên tại chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức ngày 26-11.

Chủ tịch Dragon Capital Group cho hay trong lúc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nhất là việc nhiều cổ phiếu lớn liên tục bị bán giá sàn và cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp khiến nhà đầu tư cá nhân lo lắng, thì các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 400 triệu USD (gần 10.000 tỉ đồng), nhiều nhất trong năm nay. “Tôi cho rằng họ nhìn thấy cơ hội hấp dẫn ở thị trường này” - ông Dominic Scriven nhận xét.

Tranh thủ chứng khoán sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong năm - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, với sự đóng góp tích cực của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lam Giang

Nếu nhìn về mặt bằng giá trị doanh nghiệp trên thị trường cổ phiếu hiện tại, chỉ số P/E (giá cổ phiếu so với lợi nhuận) và P/B (giá cổ phiếu so với giá trị tài sản thuần của doanh nghiệp) VN-Index đều thấp nhất từ năm 2008-2009.

Trong khi đó, điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện tại khác xa giai đoạn 2008-2009, so về lạm phát, lãi suất, đầu tư công… đều không tốt bằng bây giờ. Do đó, nếu tính đến đầu tư thì thị trường hiện tại không phải rủi ro, quan trọng là nhà đầu tư cân nhắc về định giá và đa dạng hóa rủi ro.

Liên quan chủ đề của chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 68, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch HUBA, cho hay cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào mùa kinh doanh cuối năm nhưng gặp nhiều khó khăn về vốn, thách thức do ảnh hưởng từ thị trường. Vì vậy, giải bài toán vốn thời điểm này là cần thiết.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh nền kinh tế hiện tại không phải thiếu tiền mà là thiếu vốn. Do thị trường đang bị ngưng trệ, các kênh dẫn vốn bị tắc nghẽn nên tiền không được đưa vào kinh doanh, không tạo thành vốn. Giống như một khu ruộng có các kênh dẫn nước nhưng các kênh bị tắc nghẽn khiến hồ nước ở gần đó không thể cung cấp nước chảy tới ruộng được…

Để giải bài toán về những trục trặc trên thị trường hiện tại, có nhiều giải pháp được đưa ra, như: nới hạn mức tín dụng thêm 1%, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng sẽ được bơm thêm ra thị trường.

"Nhưng bơm thêm vốn vào lĩnh vực nào, nếu bơm tiếp vào lĩnh vực đầu cơ sẽ càng thêm khó, vốn chảy không đúng chỗ thì rất khó. Với trái phiếu doanh nghiệp, hiện dư nợ chưa tới 10% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế nhưng giải pháp xử lý cũng không dễ. Dù vậy, tôi tin Chính phủ đang nhìn thấy và xử lý với mức đủ mạnh, phù hợp" – TS Trần Du Lịch nhìn nhận.

Nhiều thông tin hỗ trợ thị trường

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty chứng khoán VNDirect, cho rằng thị trường chứng kiến một tuần giao dịch giằng co khi VN-Index tiến gần đến vùng kháng cự mạnh 980-1.000 điểm. Thị trường đã nhanh chóng phục hồi trong 2 phiên giao dịch cuối tuần nhờ tâm lý nhà đầu tư cải thiện khi một loạt thông tin hỗ trợ xuất hiện, bao gồm: FED công bố biên bản cuộc họp tháng 11, phát đi tín hiệu sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất điều hành; Vietcombank sẽ giảm tới 1% lãi suất cho vay đối với khách hàng; nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh các quỹ ETFs ngoại như Fubon ETFs tiếp tục hút vốn thành công.