Triển vọng giá dầu, vàng tuần 2/5 - 6/5

Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,18 USD, tương đương 1,1%, còn 106,08 USD/thùng. 

Kết thúc tuần, giá dầu Brent tăng 2,5%. Trong cả tháng 4, giá dầu Brent tăng 1,3%. Trong khi đây là mức tăng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2021, tuy nhiên, đây vẫn là tháng thứ 5 liên tiếp giá dầu Brent tăng, với tổng cộng mức tăng lên tới 55%. 

Tính trong cả tuần trước, giá dầu WTI giảm gần 2%. Trong tháng 4, dầu WTI tăng 4,4%. Cũng giống như dầu Brent, đây là tháng thứ 5 giá dầu WTI tăng liên tiếp, với tổng mức tăng lên tới 58%. 

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ gần như chắc chắn thông qua mức tăng lãi suất 0,5% sau kỳ họp chính sách tiền tệ một vài ngày tới. Đây là mức tăng lãi suất lớn chưa từng được thực hiện trong suốt 20 năm qua. Nhưng mọi chuyện mới chỉ là khởi đầu. Thị trường đang giao dịch với dự báo Fed sẽ tăng lãi suất tới 0,75% trong cuộc họp tháng 6 của mình. Nếu dự báo nào là chính xác, điều đó đồng nghĩa họ sẽ quyết tâm kiểm soát lạm phát bằng mọi giá.

Tuy nhiên, liệu nền kinh tế có thể trụ vững trước những lần tăng mạnh lãi suất như vậy mà không bị suy yếu? Hoặc, thị trường lao động có phản ứng mạnh trước hành động quyết liệt của Fed?

Nếu thị trường việc làm suy yếu, điều đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường dầu mỏ, vì sự liên quan khăng khít giữa hai thị trường này. 

Giá dầu cao sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa chắc đã có tác động tương tự lên thị trường việc làm. Nhưng một thị trường việc làm suy yếu, mà xấu hơn là tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, giống như những gì đã xảy ra 2 năm trước đó, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, chắc chắn sẽ “nhấn chìm” giá dầu. Chúng ta có thể sẽ chưa thấy những tác động trong ngày một, ngày hai, khi mà cuộc họp của Fed chỉ diễn ra đúng một ngày trước kỳ họp của OPEC+, liên minh sản xuất dầu mỏ toàn cầu được thành lập nhằm đảm bảo tính ổn định của nguồn cung dầu mỏ của thế giới. Theo đó, họ đặt ra mục tiêu giữ giá dầu ở mức cao hơn 100 USD/thùng. 

Cũng giống như Fed quyết tâm kiểm soát lạm phát, OPEC+ cũng sẽ quyết tâm không để giá dầu giảm quá sâu như trong năm 2020. Đó là những yếu tố chúng ta cần ghi nhớ khi Fed không thể kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng cao và OPEC+ chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn Fed và chính quyền của ông Biden “phá hủy” thị trường dầu mỏ. 

Khi tình hình trở nên khó khăn, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng nhằm mục tiêu giữ cho giá dầu không bị giảm quá sâu. Và với nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp cao điểm nghỉ hè sắp tới, sẽ rất khó để giá dầu rơi xuống ngưỡng 100 USD/thùng, nhưng cũng khó tăng cao lên ngưỡng 140 USD/thùng sau thời điểm xung đột Nga-Ukraine nổ ra. 

8095500791-88bb8a80f4-z-4894-1651451741.

Một giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: Flickr.

Có một yếu tố quan trọng khác đó chính là chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ, chiếm tới 70% GDP nền kinh tế số 1 thế giới. 

Giá cả thấp là ưu tiên của hàng triệu người dân Mỹ, những người đã quay lại làm việc sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. 

Theo kết quả cuộc khảo sát tiêu dùng mới được công bố bởi Đại học Michigan ngày 29/4, nhiều người dân Mỹ cho rằng Fed sẽ gặp khó trong việc đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế nếu quyết liệt tăng lãi suất theo kế hoạch đã vạch ra của mình. 

Khi người dân lo sợ về triển vọng kinh tế tối tăm, họ sẽ cắt giảm chi tiêu nhiều nhất có thể, tăng trưởng kinh tế vì thế cũng chậm hơn, và giá cả hàng hóa đồng loạt giảm xuống, trong đó có cả dầu mỏ.

Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra trong ngày 5/5 tới đây, tuy nhiên, giá dầu có thể giảm trong 3 ngày đầu tiên của tuần, khi sự tập trung của nhà đầu tư đổ dồn vào quyết định lãi suất mới của Fed. 

Các bảng phân tích kỹ thuật đối với giá dầu WTI cũng gợi ý kết quả tương tự. 

“Giá dầu WTI sẽ một lần nữa kiểm chứng các mốc hỗ trợ 101 USD và 98 USD/thùng của tuần trước”, Dixit, giám đốc phân tích kỹ thuật tại skcharting.com

“Nếu như ngưỡng kháng cự 105-108 USD/thùng hấp dẫn đủ người mua, giá dầu hoàn toàn có thể tăng lên ngưỡng 109-113 USD/thùng, thậm chí tăng cao hơn lên 116 USD/thùng”, Dixit chia sẻ. 

Kim loại quý

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/4, giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex tăng 5,6 USD, tương đương 0,3%, lên 1.896,9 USD/ounce. Trong tháng 4, giá vàng giảm 1,9%, dù đã tăng tổng cộng 4,5% tính tới thời điểm hiện tại của năm 2022.

Loại hình tài sản được ưa chuộng mỗi khi lạm phát tăng cao một lần nữa gặp khó trong việc duy trì đà tăng giá của mình, trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh nhất 7 năm. 

Với mức giảm gần 2%, tháng 4 chính là tháng thứ hai trong năm 2022 giá vàng đi xuống, dù phần lớn thời gian duy trì trên ngưỡng hỗ trợ 1.900 USD/ounce. 

Giá vàng giảm khi giá đồng USD có mức tăng vắt tháng mạnh nhất ghi nhận trong gần một thập kỷ qua. Chỉ số Dollar Index đã tăng hơn 4,6% trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 1/2015. Trong 20 phiên giao dịch của tháng 4,  Dollar Index chỉ giảm 4 lần. 

Dixit cho biết nếu như giá vàng duy trì thấp hơn mốc 1.900 USD trong một vài ngày tới, giá vàng giao ngay có thể sẽ giảm xuống mốc 1.875 USD/ounce. 

“Nếu giá giá vàng giảm xuống thấp hơn 1.870 USD/ounce, giá vàng giao ngay có thể tụt xuống ngưỡng EMA50 1.850 USD/ounce và SMA100 1.837 USD/ounce”, theo Dixit. “Nếu giá vàng thủng mốc 1837 USD/ounce, thì mốc hỗ trợ tiếp theo sẽ là 1.818 USD/ounce”. 

Trong khi chỉ số giao động stochastic và các chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) thiên về xu hướng xuống giá, các tham số quá bán hàng ngày có thể giúp thu hẹp xu hướng giảm giá hoặc thậm chí giúp đẩy giá vàng lên cao hơn. 

“Khi xu hướng giá chung vẫn đi lên, các ngân hàng trung ương sẽ tích trữ thêm vàng”, Dixit cho biết. “Khi thoát khỏi đáy, giá vàng sẽ phải vượt qua các ngưỡng hỗ trợ 1.900 USD/ounce và 1.935 USD/ounce, theo sau đó là các ngưỡng 1.960 USD/ounce và 2.000 USD/ounce”.