TRỰC TIẾP: Tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”

21/10/2020 14:47

Đúng 8h45 sáng nay (21/10/2020), tại tầng 18 tòa nhà Eurowindow (số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội), tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề ““Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”.

Sự kiện có sự tham dự của bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD); ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam; TS Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP chứng khoán VPS cùng nhiều nhà báo, phóng viên, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực kinh tế chứng khoán.

Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức nhằm cùng với các quan chức, chuyên gia kinh tế, các CEO, nhà đầu tư… đi tìm điểm tựa, điểm sáng và các giải pháp linh hoạt để ứng phó kịp thời với những biến động của dịch bệnh, gỡ nút thắt cho TTCK Việt trong thời gian tới.

Sẽ có 2 phiên thảo luận chính tại cuộc tọa đàm: Phiên 1, các diễn giả sẽ tập trung thảo luận về những khó khăn của thị trường chứng khoán kể từ khi bùng nổ dịch Covid-19 tới nay. Tới phiên thứ 2, các diễn giả sẽ thảo luận về hướng đi, các điểm sáng của thị trường trong thời gian tới.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19

10h55:

Kỳ vọng vào chính sách mới cho thị trường từ Luật Chứng khoán mới

Ông Nguyễn Thanh Kỳ: Đầu năm 2021, Luật Chứng khoán (sửa đổi) bắt đầu thực thi thì thị trường chứng khoán nhà nước thay đổi ra sao? Vậy những người quản lý thuộc UBCKNN có những nhận định gì về sự ra đời của Luật cũng như kỳ vọng nào về sự ra đời của Luật Chứng khoán (sửa đổi)? Ngoài ra các chuyên gia có tiên đoán gì về ra đời của Luật này hay không, kỳ vọng và sự đón nhận của công chúng trong và nước ngoài về Luật Chứng khoán (sửa đổi)?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Ý kiến triển khai luật mới, tiên đoán thị trường, kỳ vọng, đón nhận công chúng trong nước và nước ngoài: Đối với cơ quan quản lý năm qua tập trung xây dựng chính sách, cơ chế mới cho Luật CK. Các vấn đề thay đổi lớn như sau:

(1) Mảng phát hành chào bán công khai: Chỉnh sửa chi tiết hoá quyết định phát hành chứng chỉ lưu ký nước ngoài, có thể mang tới cơ hội lớn hơn cho các công ty VN.

(2) Sửa chính sách chào bán công khai: phát hành cổ phiếu có hướng dẫn chưa đầy đủ nên chưa chào bán được.

(3) Tổ chức thị trường: CCP ra đời thay đổi cơ cấu thị trường, xuất hiện thành viên bù trừ, thị trường được kỳ vọng bỏ được pre-funding thị trường sẽ hấp dẫn hơn.

Năm 2021 sẽ phân mảng thị trường tốt hơn, ra mắt nhiều sản phẩm tốt hơn:

Đối với các công ty chứng khoán, dịch vụ được mở rộng hơn, các dịch vụ chưa được chính thức hoá sẽ được chính thức hoá: phối hợp Ngân hàng cho vay, chào bán Sản phẩm tài chính…

Xây dựng cơ chế phòng ngừa và ứng phó rủi ro cho thị trường. Chúng ta cải tạo cơ sở pháp lý cho toàn thị trường có giải pháp chính thức ứng xử ứng phó khi thị trường biến động mạnh ví dụ như Covid.

Trong 2021, dự kiến phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường thông qua gói thầu hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn thị trường (gói thầu KRX), giúp hiện đại hoá thị trường tạo nên đột phá cho thị trường.

Ông Lê Đức Khánh: Về góc độ các công ty chứng khoán, bức tranh thị phần môi giới chứng khoán trên HoSE, HNX, UpCOM 9 tháng đầu năm đã có những biến động lớn.

Thị trường phái sinh giao dịch rất sôi động từ đầu năm. Chứng quyền có bảo đảm cùng những sản phẩm khác ra đời cho thấy xu thế phát triển và chúng ta đang đi đúng hướng. Các công ty chứng khoán cũng phải thích nghi, chú ý hơn đến nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân, phục vụ đa dạng cho các nhà đầu tư hiện tại và trong tương lai.

Hướng đi của UBCK quyết liệt khiến các công ty chứng khoán cũng phải thay đổi nhanh. Do đó, ông Khánh đánh giá triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

10h45:

Tỷ lệ dân số có tài khoản Chứng khoán ở Việt Nam còn rất khiêm tốn

PV Quang Thắng – Zingnews: Thanh khoản thị trường được hỗ trợ kể từ cuối tháng 3/2020, trong giai đoạn giãn cách xã hội đến nay. Thị trường gọi họ là nhà đầu tư F0 hay "nhà đầu tư số 0" - không am hiểu thị trường, không có kinh nghiệm, không người dẫn dắt. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường tài chính bậc cao, đòi hỏi cần những kiến thức, kinh nghiệm nhất định.

Xin các lãnh đạo UBCK Nhà nước cho biết, các cơ quan quản lý đã và đang dự kiến sẽ đào tạo, cập nhật kiến thức cho các nhà đầu tư này như thế nào, kể các nhà đầu tư tương lai (chưa gia nhập thị trường).

Ông Lê Đức Khánh: Có nhiều nhà đầu tư trước nay không đầu tư chứng khoán tuy nhiên họ vẫn tìm hiểu và hiểu về chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư giá trị, chỉ buy and hold và không quá quan tâm đến diễn biến thị trường.

Nhiều nhà đầu tư không chuyên mở mới tài khoản đã có cách thức tiếp cận tích cực, có kinh nghiệm. Về bản chất, một lớp nhà đầu tư mới chưa tham gia và bắt đầu tham gia và kỳ vọng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Họ đang phân bổ danh mục đầu tư sang cổ phiếu, trái phiếu, vàng,...

Ông Bùi Hoàng Hải: Chia sẻ từ ý của anh Khánh, hiện có 2,6 triệu tài khoản giao dịch, một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản. Ủy ban Chứng khoán đặt kỳ vọng là 2020 đạt 3% dân số có tài khoản, 2025 đạt 5% dân số tài khoản Chứng khoán. Tuy nhiên so với thị trường Mỹ hay châu Á loanh quanh đạt 23-24% dân số có Tài khoản, Trung Quốc có 15% dân số có tài khoản (2015).

Hiện nay, số nhà đầu tư so tổng dân số còn rất ít, 3% dân số đó là nằm trong số những người chịu được rủi ro. Tuy nhiên chúng tôi cần nhà đầu tư chuyên nghiệp: chịu được rủi ro và vượt qua rủi ro chứ không phải người thường xuyên giao dịch. Cần mở rộng khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật chứng khoán mới. Đồng thời mở rộng khái niệm, quy định một số giao dịch và thị trường chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Điều đó cho thấy cơ cấu lại thị trường thông qua xếp loại nhà đầu tư, hướng đến tăng nhà đầu tư chuyên nghiệp chịu đựng được rủi ro. Định hướng rằng các thị trường cần hướng đến và gia tăng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cơ cấu, phân mảng loại đầu tư là các bước đi dần dần đảm bảo các nhà đầu tư mới vào thị trường, có thể đi vào những mảng thị trường tốt hơn còn lại nhà đầu tư chuyên nghiệp dám đi vào những thị trường rủi ro cao.

Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam là tươi sang trong cuối năm 2020 và 2021

Phóng viên Lan Hương – Báo Lao động: Tôi muốn hỏi anh Khánh, với thị trường chứng khoán ngày nay thì theo dự báo của anh VN-Index đến cuối năm sẽ đạt bao nhiêu?

Ông Lê Đức Khánh: Rất nhiều nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, thép, tiêu dùng,... đều tăng tốt. Thanh khoản năm nay cũng đã tăng mạnh 35-40% so với năm 2019 đặc biệt từ tháng 4.

Số tiền giải ngân lớn và được quay vòng trong thị trường thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Trong quý IV, các nhóm ngành được dự báo tăng trưởng tốt đồng thời NHNN đang duy trì lãi suất thấp giúp dòng tiền đổ vào thị trường.

Với quan điểm thận trọng, ông Khánh cho rằng VN-Index có thể quay về vùng 980-1.000 điểm cuối năm 2020.

Phóng viên Lan Hương – Báo Lao động: Năm 2021, các NHTW trên thế giới có xu hướng duy trì lãi suất thấp thậm chí âm. Xu hướng này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường?

Ông Lê Đức Khánh: Những chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ, những chính sách tài khóa bom tấn tung ra như mua tài sản là giấy tờ có giá. Các gói cứu trợ được Chính phủ các nước đưa ra quyết liệt.

Với Việt Nam, lần giảm lãi suất điều hành lần 3, CPI của chúng ta vẫn tương đối thấp, nguồn tiền dư trong ngân hàng còn nhiều, tăng trưởng tín dụng vẫn có thể đạt 9%.

Dòng tiền rẻ đang dư thừa trong khi khó tìm được kênh đầu tư hấp dẫn hơn, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tươi sáng trong năm 2021.

10h30:

Danh mục lĩnh vực đầu tư kinh doanh hạn chế tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được rút ngắn

PV Hữu Hòe – Báo Đầu tư Chứng khoán đặt vấn đề: “Liên quan đến nghị định quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến đến giờ mình có bổ sung.....? Ngay cả khi hệ thống pháp lý của mình, về kinh phí chưa đủ thì các doanh nghiệp của mình thì phải làm sao?

Ông Bùi Hoàng Hải: Đầu tiên chúng tôi hướng tới sự minh bạch trong thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài có sự nghiên cứu đầu tư thị trường. Nếu thắt chặt quy định, nhà đầu tư nước ngoài không thể tiếp cận, sẽ đánh giá sự không minh bạch của thị trường.

Để điều lệ Công ty quy định tỉ lệ sở hữu nước ngoài làm trầm trọng hơn vấn đề minh bạch.

Căn cứ vào Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Luật đầu tư quy định việc nhà Đầu tư NN được tự do tiếp cận thị trường “không giới hạn tiếp cận". Về phía người bán, điều lệ thông qua đa số, hạn chế quyền chuyển nhượng tự do cổ phiếu. Đối với cổ phiếu hạn chế cần quy định rõ trên cổ phiếu đó. Nên việc hạn chế nhà đâu tư nước ngoài chưa phù hợp Luật Doanh nghiệp. Do đó chúng tôi bỏ đi quy định điều lệ Công ty quy định các yếu tố khác.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19

Nên tận dụng các nhà Đầu tư chiến lược cũng như khả năng quản lý, tiếp cận doanh nghiệp.

Thứ hai, việc không cho phép điều lệ công ty quy định tỉ lệ vốn nước ngoài, không thể hiện quyền tự quyết doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được ý kiến của bộ Tư Pháp về ý kiến đó để điều chỉnh Nghị định.

Có ý cho rằng, nếu bỏ quyền tự quyết của doanh nghiệp có thể dẫn đến doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện để hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đánh giá như thế nào?

Có những ngành nghề có tỉ lệ sở hữu nước ngoài bằng 0. Chúng ta có quy định cụ thể sau thời điểm này (thông tư 34 của Bộ Công thương và một số hiệp định, hiệp ước), luật đầu tư 2020, quy định về sở hữu đầu tư nước ngoài là của cấp Chính phủ.

Chúng tôi tin rằng danh mục hạn chế tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngắn đi và cụ thể hơn nên lo lắng này có thể nhưng không phải nguy cơ cao. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường tốt hơn.

10h15:

2021 sẽ có cơ chế bán khống chứng khoán chờ về

TTCK Việt Nam bao giờ sẽ có giao dịch T+0 và bán khống chứng khoán chờ về. Ông có dự kiến là đến năm nào Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi?

Ông Nguyễn Sơn: Về Nghị định hoạt động kinh doanh Luật chứng khoán, 2018 chúng tôi đã triển khai CCP (là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ, trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch) cho thị trường phái sinh. Trong đó VSD đóng vai trò gánh chịu các rủi ro trên thị trường.

Trong lần thay đổi pháp lý lần này, đưa CCP cho thị trường cơ sở. Các nghiệp vụ chưa triển khai đc, hoặc vướng mắc khi quốc tế xem xét nâng hạng cho Việt Nam đó là ký quỹ 100% khi đặt lệnh mua, bán. Với CCP, ta có thể tháo gỡ vấn đề này. Nhà đầu tư chỉ cần 10-20% giá trị đặt mua.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD)

Về pháp lý cơ chế bán chứng khoán trong ngày, chứng khoán chờ về, không phải bây giờ mới có nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay. Hiện ta đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường, dự kiến vận hành vào 2021, trên nền tảng pháp lý là các văn bản, nghị định, quy trình cùng hệ thống công nghệ sẵn sàng, ta có thể triển khai đc.

Ta đang cố gắng nhà thầu để test với các thành viên viên thị trường, còn thời điểm chính xác thì chưa thể nói được.

Còn việc bán khống và các nội dung khác, thì luật thế hệ trước không cấm nhưng ta chưa sẵn sàng cho việc đó nên chưa có văn hướng dẫn. Khi có hệ thống công nghệ mới thì ta mới có thể dần dần triển khai vào năm tiếp theo.

Ta phải hình dung là cần có cơ chế pháp lý và công nghệ, đặc biệt là ý thức tuân thủ của nhà đầu tư quyết định sự thành bại của thị trường. Cân có sự đồng bộ pháp lý, công nghệ, năng lực quản lý giám sát với tất cả thành viên tham gia vào thị trường.

Có thể vào 2021 thì ta sẽ có những sản phẩm đó. Còn chuyện nâng hạng thị trường thì anh Hải và chị Bình sẽ có trao đổi thêm.

Bà Tạ Thanh Bình: Về câu chuyện nâng hạng thị trường, FTSE Russel và MSCI cũng không thể quyết định mà nó phụ thuộc vào cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta hoàn thiện chính sách để đáp ứng toàn bộ 9/9 tiêu chí cũng không có nghĩa là chúng ta được nâng hạng ngay.

Nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để hấp thụ chính sách. Để thay đổi cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam cần phải có thời gian. Không phải mọi thông tin tổ chức mà FTSE Russel và MSCI có từ thị trường Việt Nam đều chính xác. Đôi khi những thông tin họ nhận được có độ trễ khiến nhận định của họ chưa được cập nhật.

Về cảm nhận về mặt cá nhân, những trở ngại lớn nhất trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam đã được những chính sách trong thời gian tới của chúng ta giải quyết.

Sản phẩm NVDR và chứng chỉ lưu ký (DR) là khác nhau. NVDR là thay đổi mang tính kỹ thuật và khó có khả năng giải quyết được vấn đề thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đây không phải là sản phẩm phổ biến trên thế giới và hiện nay gần như chỉ còn Thái Lan áp dụng. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào sản phẩm này có thể giải quyết vấn đề của thị trường.

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được sự thạm gia của nhà đầu tư nước ngoài được Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng mới có thể giải quyết vấn đề này của thị trường.

10h00:

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
BTV Đỗ Huy Hoàng – VTV đặt câu hỏi cho các chuyên gia

VN-Index sớm quay lại mốc 990 – 1000 điểm

BTV Đỗ Huy Hoàng – VTV: Nếu sau khi F0 đột ngột rút vốn thì có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán?

Chuyên gia Lê Đức Khánh: Theo số liệu thống kê về nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý II đến nay đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên so với quy mô dân số thì vẫn rất khiêm tốn. Khoảng 300.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn gần đây vẫn quá thấp.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
TS Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP chứng khoán VPS

Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp giúp nguồn tiền lớn trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. So với rất nhiều nước trên thế giới, số lượng nhà đầu tư mới đầu tư trên thị trường chứng khoán rất nhiều.

Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E khoảng 16. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (CTG, VPB, TCB,...) nhóm thép (HPG, HSG) hay nhóm chứng khoán, công nghệ,...

Ông Khánh cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Bản thân tôi cho rằng thị trường sẽ sớm quay lại mốc 990 – 1000 điểm trong cuối năm 2020.

9h45:

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (UBCKNN)

COVID-19 ảnh hưởng việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán

Ông Bùi Hoàng Hải: Hiện tại trên thế giới Covid vẫn tiếp diễn và chúng ta chưa biết khi nào Covid kết thúc. Do đó, chúng ta nên dùng “bình thường mới” cho giai đoạn này, chuyển từ giai đoạn cân bằng này sang giai đoạn cân bằng khác.

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thanh khoản trên thị trường cơ sở tăng 2,7%, tăng 90% giao dịch trên thị trường phái sinh. Thanh khoản thị trường tốt hơn trên cả kỳ vọng.

Tuy nhiên một yếu tố quan trọng của thị trường là việc huy động vốn sụt giảm và gặp những khó khăn như số lượng vốn huy động thực sự chỉ đạt 51% so với năm ngoái.

Tổng quan nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút vốn khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng, không đáng kể so với tổng thị trường tuy nhiên vốn đầu tư dài hạn có vấn đề.

Tuy nhiên, việc huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu quốc tế đã giảm đáng kể do COVID-19 các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến VN trực tiếp để làm nghiên cứu trước đầu tư làm lỡ nhiều dịp phát hành cổ phiếu lớn dẫn đến sụt giảm.

So với các nước trong khu vực chúng ta đang đạt chỉ số tốt: tổng vốn hoá cao. Tuy nhiên mức độ rủi ro trên thị trường cao gây ảnh hưởng đến định giá chứng khoán.

Câu hỏi: Đối với diễn biến của thị trường trong nước hiện nay, nhà đầu tư quốc tế sẽ có suy nghĩ gì?

Ông Bùi Hoàng Hải: Chúng ta nên nhìn vào hành động và các chỉ số nên dựa vào tổng giá trị đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK. Hiện tại, tỉ lệ tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hoá của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan.

Điểm tích cực nữa là Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam điều hành phiên thảo luận đầu tiên

9h15:

Điều hành buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam phát biểu:

“Lời đầu tiên tôi xin có lời chúc mừng tất cả mọi người đã đến dự tọa đàm: “Sự vươn lên của thị trường Chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19” Tại cuộc tòa đàm này chúng ta cùng mở ra nút thắt khó khăn về chứng khoán hậu Covid

Trước hết nói về chủ đề Tọa đàm, chúng tôi chọn chủ đề này muốn tất cả chúng ta nghe tất cả các chuyên gia “Tìm mọi cách khai thác quyền năng hậu covid để thị trường phát triển mạnh mẽ hơn”.

Hôm nay, chúng tôi muốn giới thiệu các anh/chị quản lý ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là những anh/chị đã đồng hành thị trường từ những thời kỳ đầu, chắp bút cho nhiều chính sách của thị trường.

Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã lấy lại những gì đã mất hồi đầu năm và quay về mức của cuối năm 2019

Bà Tạ Thanh Bình: Năm 2020 là một năm đầy biến động, chúng ta đã chứng kiến thời điểm thị trường tăng, giảm mạnh đặc biệt trong quý I do ảnh hưởng của Coivd 19. VN-Index giảm 33% trong quý I/2020.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá tổng quan tình hình thị trường

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phục hồi khá tốt và có thể nói là tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP.

Sự phục hồi cả về chỉ số, quy mô và nội lực. Diễn biến của dòng vốn ngoại có tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng năm nay thị trường đã có điểm khác và có những điểm khác biệt và ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại và thị trường thế giới.

Quan điểm chung của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán được đồng tình của nhiều thành viên thị trường là sự tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế can thiệp “thô bạo” vào thị trường. Chúng ta đang điều hành thị trường theo hướng phát triển bền vững. Luật chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2020 và sẽ được thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Trưởng ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả
truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Nhà báo Vũ Kim Thành, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

9h00: Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Kim Thành, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho hay, từ khoảng cuối năm 2019 tới nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, TTCK toàn cầu quý I/2020 đã trải qua những biến động lớn chưa từng thấy.

“Tại Việt Nam, TTCK cũng sụt giảm sâu trong quý I/2020, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ trong quý II. Có thể nói, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất trên thế giới sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Thế nhưng, hiện nay, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và việc kiểm soát dịch Covid-19 vẫn chưa thể đoán định. TTCK dự kiến sẽ có nhiều biến động lớn trong thời gian tới.

Do vậy, Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam quyết định tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid 19” để rộng đường dư luận thông qua các phân tích, dự báo của quan chức, chuyên gia đầu ngành về thị trường.

Với những chủ đề gần gũi, thiết thực nêu trên, tôi hi vọng buổi tọa đàm sẽ thu hút được sự quan tâm của độc giả gần xa, trong và ngoài nước”, ông Vũ Kim Thành nói.

truc tiep toa dam su vuon len cua thi truong chung khoan viet nam hau covid 19
Đúng 8h45 sáng nay (21/10/2020), tại tầng 18 tòa nhà Eurowindow (số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội), Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”.
Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam là cơ quan tuyên truyền của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam.Từ khi hoạt động, báo đã thực hiện tốt nhiệm vụ được các cơ quan có thẩm quyền giao phó là tích cực phản ánh hoạt động, diễn biến thị trường chứng khoán; cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh và báo cáo tài chính công khai của các doanh nghiệp, góp phần làm lành mạnh và minh bạch thị trường chứng khoán.

Tháng 5/2019, tạp chí từng tổ chức thành công cuộc tọa đàm với chủ đề “An toàn, an ninh trong lĩnh vực Chứng khoán” với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo các Sở giao dịch chứng khoán, nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành và CEO các doanh nghiệp, các nhà đầu tư... Sự kiện giúp góp phần bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư trước những thông tin thất thiệt về thị trường.

Phát huy kết quả đã đạt được, Ban biên tập Tạp chí tiếp tục tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid 19”.

Bạn đang đọc bài viết "TRỰC TIẾP: Tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”" tại chuyên mục CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#