Tự chủ đại học: Không thể chỉ trông chờ nguồn lực từ học phí

01/09/2022 15:37

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, quan điểm tự chủ đại học tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính là không hoàn toàn đúng và cũng không thể chỉ trông chờ nguồn thu từ học phí.

Tự chủ đại học không có nghĩa gắn với tự chủ tài chính
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, quan điểm Tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính là không hoàn toàn đúng.
tu-chu-dai-hoc-khong-the-chi-trong-cho-nguon-luc-tu-hoc-phi-1661994881.jpg
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.
Tự chủ đại học có nghĩa là các cơ sở giáo dục căn cứ trên nội lực của mình có thể đảm bảo chi thường xuyên – chi cho con người (thầy và trò), và một phần nào đó liên quan tới đào tạo. Tuy nhiên, với một số ngành nghề lớn, có ý nghĩa đối với sự phát triển của công nghiệp, quốc gia thì vẫn có sự đầu tư của Nhà nước, bởi vượt qua khả năng tài chính của các trường.
“Khi kết hợp cả hai điều đó – sự phát huy nội lực của các trường và sự đầu tư công bằng, chính xác, có chiều sâu và có lộ trình dài hơi của Nhà nước – sẽ có sự tự chủ đúng về mặt tài chính”, ông Thắng cho hay.
Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Thắng cho biết, tự chủ đại học dựa trên quan điểm phát triển về nội lực. Đó là phát triển những chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của thế giới, đồng thời nâng cao học phí từ người học để có trách nhiệm giữa nhà trường và người học.
Tuy nhiên, tăng học phí nhanh không phải là bài toán phát triển của nhà trường. Tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo sự đầu tư cho giáo dục, đảm bảo sự tính đúng tính đủ và nâng cao trách nhiệm của người học. Và cùng với đó, còn cần các nguồn kinh phí tài trợ như của Chính phủ, quốc tế, từ các dự án nghiên cứu thì mới làm cho tài chính của nhà trường phát triển vững mạnh được, chứ không chỉ trông chờ vào nguồn lực học phí.
“Ví dụ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có sự cam kết từ giờ tới năm 2025 học phí tính chung cho cả trường không tăng quá 8-10%”, ông Thắng khẳng định và cho biết, nhà trường luôn tranh thủ các nguồn lực từ nước ngoài, xây dựng những dự án phát triển nhà trường theo các lĩnh vực tương ứng.
Cần tăng sự đầu tư của Nhà nước với đại học vùng
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, Đại học Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng của đất nước. Địa bàn tuyển sinh trên toàn quốc, tuy nhiên, chủ yếu là vùng núi phía Bắc, trong đó, gần 60% sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Với đối tượng sinh viên như vậy, nhà trường không thể tăng học phí. Khi các em về trường cũng miễn rất nhiều dịch vụ, không thu được từ khoản này.
“Đa số gia đình các em nghèo, cho nên, lộ trình tăng học phí không thể tăng mạnh. Dịch vụ cũng không thể thu cao được. Đây là điểm khó đối với đại học vùng trong tự chủ đại học”, GS Phạm Hồng Quang chia sẻ.
Tu chu dai hoc: Khong the chi trong cho nguon luc tu hoc phi-Hinh-2
 GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
Ảnh: Mai Loan.
GS.TS Phạm Hồng Quang cho hay, ông có một trăn trở rất lớn, đó là giáo dục đại học phải dẫn dắt sự phát triển. Và càng vùng sâu vùng xa càng phải coi trọng giáo dục đại học.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở vùng sâu vùng xa thuộc 62 huyện nghèo có nhu cầu tham gia giáo dục đại học rất thấp. Bởi vì các em đang có nhu cầu học nghề để có việc làm và có thu nhập.
Chính vì vậy, khi thực hiện tự chủ, nhà trường phải hết sức cố gắng chắt chiu, huy động sự nỗ lực cống hiến của các thầy cô trong trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh triển khai phát triển khoa học công nghệ. Song song với công bố quốc tế và nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các địa phương bằng những sản phẩm. Bằng cách đó, các thầy cô cùng với với sinh viên sẽ đạt được 2 mục tiêu: Phát triển chuyên môn và tăng thêm nguồn thu.
Nguồn thu này có đóng góp rất lớn trong sự phát triển của nhà trường. Cùng với một số hoạt động dịch vụ khác nữa góp phần chắt chiu để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, về lâu dài, trong chiến lược của Đảng, Nhà nước, cần có đầu tư lớn đặc biệt cho giáo dục miền núi, dân tộc, vùng sâu, khó khăn. Đây mới là chiến lược phát triển bền vững cho vùng.
“Chúng tôi mong Nhà nước có đầu tư mạnh hơn nữa cho đại học vùng hơn để có chất lượng đào tạo tốt hơn", ông Quang nói.
Về việc tự chủ đại học liệu có thể làm mất đi cơ hội của những sinh viên nghèo, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, vấn đề công bằng trong giáo dục rất quan trọng. Năm 2021, Trường đã thành lập Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho các sinh viên nghèo vượt khó. Bên cạnh đó, thực hiện nghị định 84, nhà trường luôn dành 5-8% học phí để làm học bổng cho các em sinh viên. Như vậy, ở một mức độ nào đó sẽ đảm bảo sự công bằng trong học tập cho tất cả các sinh viên của nhà trường.

Bạn đang đọc bài viết "Tự chủ đại học: Không thể chỉ trông chờ nguồn lực từ học phí" tại chuyên mục Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#