Ủy ban chứng khoán 'tuýt còi' loạt doanh nghiệp

Tuần qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố các quyết định xử phạt doanh nghiệp vì các vi phạm trong công bố thông tin, bố trí nhân sự, không tuân thủ quy định về quản trị… Trong số các doanh nghiệp bị xử phạt có 3 công ty quản lý quỹ.
Tuần qua, 3/4 doanh nghiệp UBCKNN xử phạt là các công ty quản lý quỹ

Tuần qua, 3/4 doanh nghiệp UBCKNN xử phạt là các công ty quản lý quỹ

Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC (mã chứng khoán SCR) ngày 21/10 bị phạt 85 triệu đồng vì không công bố các nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thông qua việc chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Mai Lan; góp vốn đầu tư, hợp tác kinh doanh cùng Công ty CP Toàn Hải Vân triển khai dự án; Công ty CP May Tiến Phát vay vốn; vay vốn, thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Nam Á – CN Tân Định và hợp tác đầu tư cùng Công ty CP Toàn Hải Vân (TTC Phú Quốc) triển khai dự án Sàn thương mại dịch vụ du lịch thuộc khu phước hợp Cảng Vịnh Đầm.

Công ty cũng không công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu, báo cáo sử dụng vốn trái phiếu, báo cáo tình hình tài chính trái phiếu năm 2020; báo cáo kết quả mua lại trái phiếu trước hạn SCR.BOND.2018 ngày 17/6/2021. Công ty còn công bố không đúng thời hạn về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 ngày 8/7/2021.

Tuần qua UBCKNN xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm.

Tuần qua UBCKNN xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm.

Những năm gần đây, các công ty thành viên TTC và doanh nghiệp liên quan đã có nhiều lượt phát hành trái phiếu. Năm 2021, riêng TTC Phú Quốc đã có 4 đợt huy động trái phiếu với tổng giá trị 650 tỷ đồng để đầu tư khu du lịch tại Khu phức hợp Vịnh Đầm (Phú Quốc).

Cũng trong ngày 21/10, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín bị phạt 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ về việc bầu chủ tịch và xác định người đại diện theo pháp luật; giao dịch chuyển nhượng cổ phần với CTCP Đầu tư Bất động sản TTC Land Long An; vay vốn và thế chấp tại Ngân hàng BIDV, ủy quyền ký hồ sơ liên quan đến việc vay vốn và thế chấp tài sản tại Ngân hàng OCB chi nhánh TPHCM). Tổng số tiền phạt là 145 triệu đồng.

Công ty CP Quản lý quỹ Hợp Lực bị phạt tổng số tiền 245 triệu đồng cho 4 lỗi vi phạm. Công ty CP quản lý quỹ Hợp Lực bị phạt 60 triệu đồng vì thông báo mời họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 không đảm bảo thời hạn theo quy định; không tổ chức họp hội đồng quản trị định kỳ trong năm 2020, 2021 theo quy định.

60 triệu đồng cũng là tiền phạt cho vi phạm về việc không ban hành đầy đủ quy trình nghiệp vụ (Quy trình về điều kiện, trình tự, thủ tục triệu tập, thể thức tiến hành họp và thông qua quyết định tại Đại hội nhà đầu tư áp dụng chung cho các quỹ, Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán).

Công ty CP Quản lý quỹ Hợp Lực bị phạt 85 triệu đồng vì không lưu giữ đầy đủ các tài liệu, hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty; bị phat 60 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn: Báo cáo tình hình hoạt động công ty tháng 5/2022; báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tháng 5/2022; báo cáo quản trị rủi ro bán niên 2022.

Cũng trong tuần qua, Công ty CP Quản lý quỹ Pavo Capital bị phạt 85 triệu đồng vì Không tách biệt về nhân sự giữa hoạt động đầu tư tài chính của công ty và hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty còn bị phạt 65 triệu đồng vì không ban hành đầy đủ các quy trình nội bộ, quy trình nghiệp vụ phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ cung cấp (không ban hành quy trình phân bổ lệnh giao dịch, phân bổ tài sản). Tổng số tiền phạt là 150 triệu đồng.

Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring Investment bị phạt 85 triệu đồng vì không báo cáo UBCKNN đối với báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ năm 2020). Công ty còn bị phạt 125 triệu đồng vì giai đoạn từ tháng 9-12/2021, các giao dịch chứng khoán của nhân viên công ty quản lý quỹ không được báo cáo đầy đủ cho bộ phận kiểm soát nội bộ trước và ngay sau khi giao dịch. Tổng số tiền phạt là 210 triệu đồng.