Vẫn điều hành bằng room tín dụng

Câu chuyện về cơ chế cấp hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) đang nóng lên khi tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính hợp lý của cơ chế cấp này, và như vậy có can thiệp vào hoạt động của NH hay không?

Thực ra tại các phiên họp đại hội cổ đông vài năm gần đây, điểm chung phổ biến của các NHTM là họ thường đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao hơn rất nhiều so với mục tiêu TTTD toàn hệ thống, nhưng tăng trưởng bao nhiêu là “tùy hạn mức tín dụng do NHNN cấp”.

Bởi thông thường đầu năm, NHNN cấp room tín dụng cho từng NHTM tùy vào đánh giá sức khỏe của họ. Từ giữa năm trở đi, nhà điều hành sẽ có các đợt điều chỉnh room tín dụng cho những NHTM có nhu cầu tăng thêm, dựa trên các diễn biến của nền kinh tế, hoạt động và sức khỏe của NH.

Cũng tức là nhìn trên thực tế nhu cầu của thị trường, NHTM dự đoán được khả năng TTTD của mình, nhưng chỉ được thực hiện trong mức NHNN cho phép. Và cứ đến hẹn lại lên, hàng năm khoảng giữa quý II trở đi, các NHTM phải “đua nhau” gửi đơn đề nghị NHNN nới thêm room.

Cơ chế cấp room tín dụng cho từng NHTM đang được áp dụng thường được giới chuyên gia gọi là “mệnh lệnh hành chính” và đề xuất dỡ bỏ cơ chế này từ 5-7 năm nay, sau khi các NH đạt được những bước tiến mới trong quá trình tái cơ cấu. Song vấn đề này chỉ thật sự nóng khi đại biểu Quốc hội chất vấn việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng NH.

Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các NHTM, và ông Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề việc này có mang tính hành chính hay không, đảm bảo được công khai minh bạch như thế nào, lộ trình bao giờ bỏ được việc này...

Còn theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, tăng trưởng kinh tế, nhà điều hành đưa ra chỉ tiêu định hướng TTTD. Sau đó, NHNN phân loại các NHTM, những NH lành mạnh sẽ được phân bổ room tín dụng cao hơn. Cơ chế này áp dụng từ năm 2011 do NHNN nhận thấy đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại.

Vì khi chưa cấp room này, nhiều NHTM cho TTTD rất cao, lên tới 30%, thậm chí có năm TTTD toàn hệ thống lên tới 53,8%, dẫn đến cuộc đua lãi suất huy động vốn để cho vay. Đây là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện vẫn áp dụng khi hệ thống NH đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Nội dung này tiếp tục được xới lại trong cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động NH 6 tháng đầu năm 2022 vào giữa tuần trước.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết số liệu thống kê của NHNN 3 năm trở lại đây, nhu cầu TTTD của các NHTM đăng ký luôn xấp xỉ trên 20%, vượt xa so với cân đối vốn. Nếu cứ để TTTD theo nhu cầu của các NH, áp lực lạm phát là rất lớn và NH cũng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo.

Vì vậy, NHNN phải quản lý NHTM theo tỷ lệ an toàn chuẩn quốc tế và kiểm soát TTTD bằng cơ chế cấp room tín dụng. Tóm lại, cho đến lúc này quan điểm của cơ quan quản lý NHNN là chưa thể tháo dỡ cơ chế cấp room tín dụng cho các NHTM.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cơ chế cấp tín dụng cho các NH hiện nay tương tự một miếng bánh được phân chia cho các nhà băng, trong khi các tiêu chí để xác định hạn mức cho từng NH cũng chưa được công khai, minh bạch. Mặc dù nhà điều hành cầm trịch trong cấp room tín dụng, nhưng lâu nay các NHTM vẫn ngầm gây áp lực để NHNN phải nhiều lần bổ sung thêm hạn mức theo nhu cầu của họ.

Vốn dĩ các nhà băng biết rõ NHNN sẽ phải nới room sau lần cấp hạn mức đầu năm, bởi vốn của nền kinh tế vẫn chỉ dựa vào NH. Đây là điểm bất cập dễ nhìn thấy nhất khi áp dụng cơ chế tín dụng này.