Vật lộn với lạm phát

19/06/2022 11:00

Giá dầu tăng lên mức kỷ lục đang khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với bài toán lạm phát năng lượng, kéo theo sau là lạm phát toàn phần của nền kinh tế.

Ảnh minh họa/INT

Giá dầu tăng lên mức kỷ lục đang khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với bài toán lạm phát năng lượng, kéo theo sau là lạm phát toàn phần của nền kinh tế, buộc các nước trong khu vực phải tung ra các kế hoạch đối phó khác nhau.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình lạm phát tại ASEAN, Ngân hàng HSBC cho biết, ngoại trừ Malaysia và Indonesia, thì các nền kinh tế còn lại trong khu vực đều là những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng.

Chính vì vậy, khi giá năng lượng quốc tế tăng mạnh sẽ khiến các nước đều phải tìm giải pháp để bình ổn thị trường, giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Indonesia dù tự cung được than đá nhưng lạm phát năng lượng vẫn tăng từ đầu năm đến nay. Chính phủ nước này đã phải cam kết trích 10,8 tỷ USD nhằm thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ người dân trước tình hình giá hàng hóa tăng lên.

Kim ngạch xuất khẩu than tăng lên cũng giúp Indonesia có thể linh hoạt mở rộng chính sách trợ cấp xăng dầu cho người dân. Cụ thể, Quốc hội Indonesia đã thông qua việc nâng mức trợ cấp và bù giá năng lượng năm 2022 lên mức tương đương 23,8 tỷ USD.

Còn tại Malaysia, một nước cũng có khả năng tự đáp ứng về khí đốt đang kiểm soát tốt hơn lạm phát giá năng lượng. Trong năm 2022, Chính phủ nước này có kế hoạch chi khoảng 6,7 tỷ USD chỉ dành riêng cho trợ cấp nhiên liệu, hơn gấp đôi mức năm ngoái. Là nước xuất khẩu ròng dầu mỏ và khí đốt duy nhất trong khối ASEAN, nguồn thu từ xuất khẩu giúp chính sách trợ cấp năng lượng ổn định hơn.

Khác với Indonesia và Malaysia, tình hình tại Thái Lan bị ảnh hưởng giá dầu quốc tế một cách nặng nề hơn. Chính phủ nước này ban đầu có thể giới hạn giá dầu diesel bằng sự hỗ trợ của Quỹ xăng dầu, nhưng sau đó vẫn phải nâng mức giá trần bình ổn lên khi Quỹ cạn kiệt.

Chính phủ Thái Lan đã áp dụng chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng nhằm giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt lên các hộ dân, bao gồm trợ cấp tiền mặt cho hộ nghèo mua khí đốt, giảm tiền điện và giảm thêm thuế tiêu thụ dầu diesel. Bộ Vận tải Thái Lan cũng đề xuất một gói nhiên liệu toàn diện nhằm bù đắp phần nào cho giá năng lượng tăng cao.

Tại Philippines, giá điện, khí đốt và các nhiên liệu khác đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 8/2021. Nhằm giúp người dân đối phó với tình hình đó, chính phủ tiến hành trợ cấp nhiên liệu cho lái xe phương tiện công cộng, đồng thời triển khai chương trình trợ cấp nhiên liệu cho 159.000 nông dân và ngư dân. Tổng thống sắp nhậm chức Ferdinand Marcos Jr. còn đang tìm cách loại bỏ thuế VAT 12% với giá điện ngay khi nhậm chức.

Còn tại Việt Nam, lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Kể từ ngày 1/4, Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700 - 1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác. Dù giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở Việt Nam vẫn có mức vừa phải.

Còn tại Singapore, lạm phát giá nhiên liệu khiến chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, đảo quốc này vẫn có điều kiện về tài khóa để “hạ nhiệt” chi phí sinh hoạt, với khoản hỗ trợ ngắn hạn cho người dân trị giá 560 triệu SGD trong những tháng đầu năm nay.

Gói hỗ trợ được triển khai dưới dạng phiếu mua hàng, bao gồm phiếu mua hàng tiêu dùng và trợ cấp tiện ích. Nếu cần thiết, Singapore cũng sẵn sàng triển khai thêm các biện pháp bổ sung nhằm giải quyết lạm phát.

Bạn đang đọc bài viết "Vật lộn với lạm phát" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#